Chùm ảnh khi về già của Cựu Hoàng Bảo Đại: Bị con cái cô lập, sống nhờ tiền trợ cấp của chính phủ Pháp

Trong tình trường, vua Bảo Đại là một người đào hoa hết sức với 2 người vợ (có đám cưới hoặc kết hôn), rất nhiều người tình và 13 người con.

Cuộc đời của vua Bảo Đại

Ông sinh ngày 22/10/1913 tại cố đô Huế, mất  31/7/1997 tại Paris, Pháp, ông là vị vua thứ 13 của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Năm 1922 ông được vua cha Khải Định đưa đi cùng trong chuyến công du sang Pháp dự hội chợ thuộc địa Marseille, được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung Kỳ Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và bắt đầu quá trình học tập theo chương trình giáo dục Pháp.

Vua Bảo Đại mặc lễ phục trong dịp tấn phong Đông Cung Hoàng Thái Tử.

>>> Xem thêm: Nhà ga thủy phi cơ tuổi đời trăm năm của vua Bảo Đại giữa lòng Hà Nội: Xa hoa bạc tỷ phục vụ thú chơi của ông vua cuối cùng

Ngày 6/11/1925 vua cha Khải Định qua đời tại Huế, Ngày 8/1/1926 Đông Cung Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy chính thức lên nối ngôi vua cha, lấy niên hiệu là Bảo Đại. Vừa mới lên ngôi ông lại tiếp tục qua Pháp vào tháng 3/1926 để theo học tại trường Sciences Po một trường về khoa học chính trị, công việc trong nước giao lại cho các đại thần phụ trách.

Sau mười năm theo học tại Pháp, vua Bảo Đại về nước vào ngày 16/8/1932, trị vì Việt Nam tại Huế cho đến năm 1945.

Bảo Đại được biết đến là một người cưỡi ngựa điêu luyện như một kỵ sỹ. Ông cũng yêu thích và hâm mộ nhiều môn thể thao thời thượng, quý tộc thời đó như golf, tennis, bơi thuyền. Bảo Đại đặc biệt thích chơi tennis. Vì vậy sau khi về nước ông đã cho xây dựng một sân quần vợt “tiêu chuẩn quốc tế” ngay tại kinh thành Huế, khiến nhiều du khách hiện nay tới thăm di tích Cố đô Huế vẫn nghĩ đó là một công trình hiện đại được xây sau này!

Vua Bảo Đại trên trang bìa tạp chí Pháp Paris Match, số ra tháng 9/1953

Cách mạng tháng Tám thành công, Bảo Đại quyết định thoái vị và trở thành “công dân Vĩnh Thụy”. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông có câu nói nổi tiếng “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ“.

Tháng 9/1945, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội nhận chức “Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam”. Đến ngày 6/1/1946, ông  được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 16/3/1946, cố vấn Vĩnh Thụy tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng ông không trở về mà viết thư về nước xin từ chức. Sau thời gian dài lưu vong ở Hồng Kông rồi Pháp, Bảo Đại về nước vào tháng 3/1949 để 4 tháng sau đó lên làm Quốc trưởng Chính phủ Lâm thời Quốc gia Việt Nam do thực dân Pháp dựng lên.

Cựu hoàng Bảo Đại ở Paris, với tháp Eiffel ở hậu cảnh, 1990.

Bảo Đại làm Quốc trưởng đến tháng 10/1955 thì bị Ngô Đình Diệm phế truất. Ông sau đó sang Pháp sống lưu vong tại Paris cho đến cuối đời.

Người vợ cuối cùng

Khi toàn bộ tài sản đã đội nón ra đi, Bảo Đại gặp và chung sống với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp sinh năm 1946 tại Lorraine, kém ông 30 tuổi. Bảo Ðại vào đạo Thiên Chúa, có tên thánh là Jean-Robert. Khi kết hôn với cựu hoàng Bảo Đại bà đổi tên thành: Princess Monique Vĩnh Thụy.

Cựu hoàng đế nước Việt cùng người vợ Pháp, bà Monique Baudot, tại Paris năm 1992.

Về tiểu sử của Monique có nhiều nguồn tin khác nhau. Báo chí Pháp viết cô từng làm tùy viên báo chí trong một tòa đại sứ. Nhưng bạn bè lại kể cô làm việc dọn phòng trong một khách sạn. Một người bạn đã đi thuê cho ông một căn hộ trong cao ốc 29 Fresnel, quận 16 – Paris. Chính nhờ làm bồi phòng ở cao ốc 29 Fresnel nên Monique Baudot mới biết được có một “ông vua lưu vong” bệnh tật không người chăm sóc, cô đến giúp đỡ và trở thành người thân cận nhất của cựu hoàng suốt mấy thập niên cuối đời. Dù mặn nồng trong nhiều năm chung sống, nhưng hai người không có con.

Bảo Đại và Monique Baudot đi dạo cùng chó cưng ở công viên gần tháp Eiffel, 1992.
Cựu hoàng Bảo Đại và phu nhân tại căn hộ ở Paris năm 1992.
Nụ cười rạng rỡ của “Hoàng phi Vĩnh Thụy”.
Monique có mâu thuẫn với những người con của Bảo Đại. Do đó, trong thời gian cuối đời, ông bị các con của mình cô lập.

Cựu hoàng Bảo Đại qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 85 tuổi. Trả lời BBC về sự kiện này, bà Monique nói: “Ngày hôm nay tôi rất đau buồn. Dĩ nhiên rồi, trước hết và trên hết là vì chồng tôi vừa qua đời. Nhưng hôm nay trang sử của triều Nguyễn Việt Nam cũng được chấm dứt. Tôi cầu nguyện cho chồng tôi“.

Trước khi qua đời, tất cả gia tài đồ sộ và quyền lực một thời của ông đều đã không còn. Ông sống dựa vào khoản trợ cấp 20.000 Franc/tháng của chính phủ Pháp.

Có thể thấy, ông hoàng Bảo Đại dù có cuộc đời và sự nghiệp long đong do sinh thời trong giai đoạn lịch sử nước nhà và thế giới có nhiều biến động và phức tạp. Tuy nhiên, trong tình trường, ông lại là một người đào hoa hết sức với 2 người vợ (có đám cưới hoặc kết hôn), rất nhiều người tình và 13 người con. Những người tình của ông đều là những bóng hồng xinh đẹp nổi tiếng một thời, và cho dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc đời mình, ông vẫn luôn tìm được những người phụ nữ rất mực thủy chung và yêu thương ông sâu sắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *