Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh của nhà văn Sơn Tùng

Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh (2 tập) của nhà văn Sơn Tùng nằm trong danh mục xuất bản phẩm nhà nước đặt hàng do NXB Văn học phát hành (2021) vừa ra mắt bạn đọc.

Trọn vẹn tuyển tập do ông Bùi Sơn Định – con trai nhà văn Sơn Tùng – sưu tầm, tuyển chọn. Tập 1 gồm 47 truyện ký về Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Bác: bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm. Tập 2 gồm 3 tiểu thuyết: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất.

PGS Phan Ngọc trong bài viết Phong cách Sơn Tùng đã nhận định: “Sơn Tùng là một nhà văn theo kiểu riêng. Loại nhà văn nghệ sĩ và nhà nghiên cứu kiểu này không xem công việc của mình là một cái nghề qua đó người ta kiếm sống, giàu có và nổi danh. Đây chẳng qua là tiếp tục con đường cách mạng mà cả dân tộc đã dấn thân vào và hàng triệu người đã ngã xuống”.

Một đời tìm hiểu và viết về Hồ Chủ Tịch

Từ tuổi đôi mươi (1948 – 1950), anh thanh niên Bùi Sơn Tùng tìm hiểu cuộc đời của Hồ Chí Minh từ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Côn. Sơn Tùng được bà Nguyễn Thị Thanh là chị cả và ông Nguyễn Sinh Khiêm là anh trai của Hồ Chủ tịch kể lại gia thế của gia đình. Cụ Khiêm còn trao cho Sơn Tùng tập Tất Đạt tự ngôn – sau này thường gọi là hồi ký (Tất Đạt là tên tự của cụ Nguyễn Sinh Khiêm).

Không dựa vào bất kỳ nguồn tài trợ nào, khi thương tật trên người mất 81% sức khỏe, 3 mảnh đạn còn găm trong não, có những lúc lên cơn co giật tưởng chết, vợ chồng Sơn Tùng bán cả tư trang để lặn lội vào Nam tìm gặp những người có liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh: gia đình cụ Hồ Tá Bang – một trong những thành viên sáng lập Hãng nước mắm Liên Thành, gia đình ông bà nhà báo Diệp Văn Kỳ – Lê Thị Hạnh, tìm về Cao Lãnh (Đồng Tháp) gặp gỡ những nhân chứng đã chăm sóc rồi chăm lo phần mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc…

Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh của nhà văn Sơn Tùng - ảnh 1

Nhà văn Sơn Tùng (người ghi sổ) trong chuyến tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hợp tác xã Lỗ Khê, xã Liên Hà, H.Đông Anh, TP.Hà Nội, mùng 1 Tết Giáp Thìn (1964). TƯ LIỆU CỦA GIA ĐÌNH NHÀ VĂN SƠN TÙNG

Viết tiểu sử, nhất là tiểu sử các bậc vĩ nhân, chắc chắn vấp phải những ý kiến phản bác lại nên cần phải có bằng chứng chính xác. “Sơn Tùng có phong cách của Tư Mã Thiên, gặp bất cứ sự kiện gì cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn tại nơi xảy ra và hỏi những người chứng kiến. Nó khác xa phương pháp viết sử theo tưởng tượng của nhà tiểu thuyết lịch sử thời Pháp thuộc”, học giả Phan Ngọc đã đánh giá như vậy qua các trang viết của nhà văn Sơn Tùng.

Điều này được phản ánh trong thực tế nhiều lần, chúng tôi chỉ nhắc một câu chuyện gần nhất. Cuối năm 2020, sau khi học giả Phan Ngọc đã qua đời, nhà văn Sơn Tùng lâm trọng bệnh cũng 10 năm không còn giao tiếp được. Trên một tờ tạp chí ở Nghệ An có đăng bài viết phê phán thông tin trong sách Mẹ về (còn có tên khác là Bác về, Cuộc gặp gỡ định mệnh) của nhà văn Sơn Tùng hư cấu chuyến ra Hà Nội gặp em trai – nay là Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh – cuối năm 1945 của cụ Nguyễn Thị Thanh. Nhà văn Sơn Tùng viết, khi ra Hà Nội, cụ Nguyễn Thị Thanh đã đến ở tại gia đình ông bà GS Đặng Thai Mai. Phía những người phê phán dựa vào tình thân đã phủ nhận không có chuyện đó.

Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh của nhà văn Sơn Tùng - ảnh 2

Ông Nguyễn Sinh Khiêm (thứ 2, từ trái qua) tại Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An, năm 1950. TƯ LIỆU CỦA GIA ĐÌNH NHÀ VĂN SƠN TÙNG

Lúc này, nhà văn Sơn Tùng không thể trả lời được. Song qua tư liệu gia đình lưu trữ và tư liệu từ hồi ký của GS Đặng Thai Mai và các con gái (PGS Đặng Thị Hạnh, GS Đặng Thanh Lê) đều chứng minh rất rõ chuyện cụ Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội thăm em lúc này làm Chủ tịch Chính phủ và đã đến ở trong nhà ông bà GS Đặng Thai Mai. Đó chỉ là một chi tiết trong vô vàn những tư liệu mang phong cách của Tư Mã Thiên mà nhà văn Sơn Tùng viết trong sách của mình. Sinh thời, ông đã công bố những trang tư liệu về mối quan hệ của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thượng thư Đào Tấn, với Phó bảng Phan Võ cùng nhiều nhà khoa bảng khác đương thời; hay với các chiến sĩ cách mạng Ilia Êrenbua (Ilya Ehrenburg), Hăng-ri Bác-buýt (Henri Barbusse); với các nghệ sĩ tài danh thế giới như đạo diễn Giô-rít Iven (Jorit Iven), vua hề Sác-lô (Charlie Chaplin)… Tất cả đều có trong tập 1 của Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh.

Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh của nhà văn Sơn Tùng - ảnh 3

Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh (2 tập) vừa ra mắt bạn đọc. TRƯỜNG HÙNG

Tác phẩm gắn tên tuổi của nhà văn Sơn Tùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiểu thuyết Búp sen xanh ra đời năm 1982. PGS Phan Ngọc bình luận: “Sơn Tùng viết Búp sen xanh với một chủ ý: Khẳng định truyền thống tình nghĩa của văn hóa dân tộc, và vì chính truyền thống đạo đức của người lao động có sẵn những yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa cho nên cậu Côn đi từ văn hóa truyền thống sang chủ nghĩa xã hội…”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *