Kể từ hơn nửa sau thế kỷ 20, văn hóa Nga đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần và vật chất của người Việt. Vậy ẩm thực Nga đã tác động gì đến bếp ăn của người Việt và thực đơn của người Hà Nội?
Thực tế là trong mâm cơm, bàn tiệc, bữa cỗ của người Hà Nội cũng như các vùng miền khác, món ăn Nga hiếm khi xuất hiện, và nếu có cũng chỉ là vài món như: salad kiểu Nga, rượu vodka Nga hoặc đôi khi có món trứng cá đen, cá muối kiểu Nga trong một vài nhà hàng cao cấp. Số nhà hàng Nga ở Hà Nội và các thành phố lớn cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Vì sao vậy?
Trước hết, có thể vì giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga có những rào cản về địa lý và truyền thống văn hóa ẩm thực. Nước Nga xứ lạnh ở tận phương Bắc xa xôi và thuộc nhóm lấy cây lúa mì làm nguồn lương thực chính. Thịt, sữa và cá cũng là những thức ăn thường xuyên của người Nga. Người Việt là nhóm cư dân sống trong vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, thuộc nền văn minh lúa nước, lấy cây lúa làm nguồn lương thực chính và thức ăn chủ yếu là rau, cá. Sữa không phải là thực phẩm truyền thống. Hai hệ sinh thái xa nhau đã khiến hai dân tộc có những điểm khác biệt rõ rệt trong văn hóa ăn uống.
Tranh về Hà Nội của họa sĩ Pháp Jean-marc Potlet
Có người hỏi: Tại sao nước Pháp ở tận châu Âu xa xôi nhưng vẫn có những ảnh hưởng về ăn uống tới người Việt? Cần nhớ rằng miền Nam nước Pháp cũng có những khu vực nóng không khác gì khí hậu nước ta. Nhiều người Pháp sống ở Việt Nam vốn là dân ở vùng nóng của phương Nam và cũng dễ thích nghi với các món ăn Việt. Đồng thời, bánh Tây kiểu Pháp, pa tê, pho mát Pháp và rượu vang, cà phê Pháp cùng nhiều thức ăn, đồ uống Pháp cũng dễ dàng xâm nhập vào đời sống của một tầng lớp trung lưu công chức người Việt và một bộ phận binh lính trong đội quân thuộc địa.
Trong mấy chục năm qua, người Nga ở Việt Nam không nhiều và thường sống tập trung ở những cư xá tách biệt. Người Việt sang Nga học tập, công tác và lao động rất đông, nhưng cũng như người Việt ở nhiều nước khác, khi sống ở nước ngoài thường duy trì lối sống cộng đồng và một trong những sinh hoạt cộng đồng quan trọng là tụ hội vào các dịp lễ tết để cùng nhau nấu cơm Việt và nhớ về cội nguồn. Có lẽ vì vậy mà cộng đồng người Việt ở Nga khi trở về nước cũng không mấy người đem theo về những món Nga để truyền bá cho bạn bè, gia đình ở quê nhà. Hơn nữa, các nguyên liệu để chế biến món ăn kiểu Nga cũng không phổ biến lắm ở Việt Nam.
Ở bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc lại một vài kỷ niệm đẹp từ mấy chục năm trước.
Thời ấy, gạo là thứ luôn luôn thiếu và cả nước phải gồng mình để có đủ lương thực cho quân và dân đánh Mỹ. Vào lúc này, bột mì Nga là một nguồn viện trợ quan trọng giúp cho chúng ta đứng vững trong những năm tháng khốn khó.
Trong chiến tranh chống Mỹ, một lượng lớn bột mì Nga được viện trợ vào Việt Nam. Những người được hưởng chế độ tem phiếu và bộ đội đã đưa vào khẩu phần của mình thêm những sản phẩm làm từ bột mì. Thoạt đầu, các bếp ăn tập thể chỉ quen nấu cơm chứ không có kinh nghiệm chế biến bột mì. Người ta đã nặn bột thành những nắm tròn, bóp dẹt lại rồi đem luộc trong chảo gang lớn của bếp tập thể. Khi nhận suất ăn, ngoài bát cơm, mỗi người lại có thêm một cục bột luộc mà người ta gọi đùa là bánh nắp hầm cùng với bát canh rau muống lõng bõng có chút váng mỡ, kèm theo mấy viên lạc rang muối. Trông chiếc bánh bột luộc hình thù tựa như cái nắp hầm trú ẩn bằng xi măng trộn xỉ than nên người ta gọi là bánh nắp hầm, có người còn nói đùa là “bánh ném chó, chó chết” vì nó cứng như đá.
Về sau, có người nghĩ ra cách hòa bột với nước thành những cục bột dẻo, đặt lên mâm nhôm hay trên bàn gỗ rồi lấy chai thủy tinh cán mỏng, cắt ra thành sợi đem nấu với rau, rắc vào vài cánh mì chính, cũng thành một bát mì sền sệt dễ nuốt. Sau này người ta làm máy cán mì thành mì sợi. Ngày ấy, có những hợp tác xã chuyên gia công mì sợi để bán cho các tiêu chuẩn tem phiếu. Các gia đình, bếp ăn đem mì sợi ghế độn vào nồi cơm. Bưng bát cơm có những sợi mì đen đen trộn lẫn vào, mọi người đều ăn như thế suốt một thời gian dài.
Sau này ở Hà Nội, với sự viện trợ từ nước bạn, một nhà máy làm bánh mì kiểu Nga ra đời. Chiếc bánh trông dày dặn nhưng vỏ ngoài trơn nhẵn và không giòn như bánh mì kiểu Pháp nên mới đầu, người thành phố vốn quen ăn bánh mì kiểu Pháp cũng không chuộng lắm.
Ở Hà Nội lúc ấy, nhà có đám cưới hay cận tết thường tích trữ tiêu chuẩn bột, đường ít ỏi bán theo tem phiếu để đem đến các cửa hàng gia công làm bánh quy.
Từ sau đổi mới, bát cơm độn mì bỗng nhiên biến mất. Thế hệ thanh niên và trung niên bây giờ hầu như không ai biết đến chiếc bánh nắp hầm, bát cơm độn mì sợi, chiếc bánh mì kiểu Nga cùng những tháng năm gian khổ cha ông đã từng trải qua. Người Việt ta có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Có ai còn nghĩ đến chiếc bánh nắp hầm, bát cơm độn mì sợi, chiếc bánh mì Nga thuở ấy không?