Dinh thự của vua Bảo Đại giữa lòng Hà Nội: Gạch sản xuất tại Pháp, có thang máy đưa đồ ăn, hầm ngầm ra tận Hồ Tây

Dinh thự 110 tuổi đời của vua Bảo Đại hiếm ai biết đến. Kiến trúc đặc biệt cũng như sự xa hoa của nó khiến nhiều người trầm trồ.

Tiểu sử vua Bảo Đại

Vua Bảo Đại, tên thật Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913-1997) được biết đến là hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Ông nổi tiếng là người sở hữu nhiều dinh thự xa xỉ bậc nhất. Trên khắp cả nước từ Bắc đến Nam, những nơi có cơ ngơi của vị vua này đều khiến nhiều người ngỡ ngàng. Mỗi dinh thự một câu chuyện, một vẻ đẹp khiến du khách đều trầm trồ, ngưỡng mộ.

Bức ảnh hiếm hoi về vua Bảo Đại

Hình ảnh tòa nhà được chụp cách đây gần 1 thế kỷ. Phía trước là 2 hàng cây trên đường Hoàng Hoa Thám và đầu dốc Ngọc Hà. Bên dưới là hình ảnh của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp có tên Arthur Kruze – người đã thiết kế tòa dinh thự này cũng như hàng chục công trình kiến trúc nổi tiếng khác tại Pháp và khắp thế giới.

Tuyệt tác bị lãng quên

Trong số những dinh thự nổi tiếng của vua Bảo Đại, ít ai biết ngay giữa lòng thủ đô cũng có một tuyệt tác tròn 110 tuổi của vị vua này bị lãng quên. Công trình được tọa lạc ngay đầu làng hoa Ngọc Hà, tuy nhiên đến nay dần bị che khuất vì đô thị hóa nên rất ít người biết đến tuyệt tác này. Dinh thự được xây dựng cùng năm khánh thành Nhà hát Lớn Hà Nội – năm 1911 bởi vợ chồng bà cô ruột của vị vua cuối cùng – vua Bảo Đại. Vì mê kiến trúc Pháp cổ thời đó, nên cô của vua Bảo Đại đã cho xây dựng như một dinh thự của Bảo Đại thu nhỏ với nguyên liệu nhập hoàn toàn từ Pháp, Ý.

Dinh thự bị lãng quên

Theo chia sẻ của anh Hồ Hoàng Hải trong nhóm group Hà Nội Tri Thức, Dinh thự này có có kiến trúc hết sức độc đáo, kết hợp văn hóa phương Đông và phương Tây. Bên ngoài là kiến trúc mái cung đình rồng phượng đặc trưng của phương Đông nhưng bên trong lại hoàn toàn theo phong cách phương Tây: có lò sưởi và tủ âm tường ở tất cả các phòng. Nội thất bên trong nhà được giữ nguyên vẹn đến kinh ngạc suốt 110 năm qua như: Cầu thang, sàn gỗ lim, lò sưởi, cửa gỗ, tủ gỗ âm tường, hệ thống điện, cấp thoát nước…

Mái vòm kiến trúc phương Đông

Tòa dinh thự là công trình chính, lớn nhất trong 1 quần thể gồm 5 tòa biệt thự Pháp cổ nằm gần nhau ở ngay đầu làng Ngọc Hà. Đặc biệt có 1 tòa nhà nằm cách dinh thự chỉ khoảng 50m là nhà khách và là sàn nhảy đầm của vua Bảo Đại. Chính nhà này cũng từng là Nhà hàng bia tươi Hoa Viên nổi tiếng số 8 Ngọc Hà (Nay là 184 Ngọc Hà) có hầm rộng và hệ thống nấu bia tươi tại chỗ đầu tiên tại Hà Nội, được rất nhiều người biết đến.

>>> Xem thêm: Dinh thự vua Bảo Đại: Máy bơm nước hơn 100 năm vẫn chạy tốt, có sàn nhảy đầm, kiến trúc tinh xảo đến ngỡ ngàng

Dinh thự của vua Bảo Đại khiến nhiều người vô cùng bất ngờ bởi những thông tin thú vị. Dù đã có tuổi đời 110, nhưng dinh thự này từ xưa đã có hệ thống điện hoàn toàn được đi ngầm trong tường, có ống ghen thép chôn trong tường, điện ngầm trong cả sàn nhà, thậm chí có cả ổ điện âm sàn bằng đồng; máy bơm nước sản xuất tại Pháp đến giờ vẫn hoạt động; có hệ thống thang máy đưa đồ ăn từ phòng bếp lên phòng ăn trên tầng 2.

Bên cạnh đó, hệ thống cửa sổ và cửa ra vào dùng thanh ray trượt đến giờ vẫn hoạt động trơn tru; tất cả các phòng đều có tủ âm tường bằng gỗ lim; các viên ngói lợp vẫn nguyên vẹn và không hề bị phai màu, có gara ô tô; hầm ngầm với lối thoát ra tận Hồ Tây; các vật liệu xây dựng đều được nhập khẩu từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha… Ấy nhưng điều vô cùng kinh ngạc là đến viên gạch xây tường cũng được sản xuất từ Pháp và được giập hẳn chữ tiếng Pháp trên viên gạch.

Ngoài ra, dinh thự có riêng hẳn 1 vườn thượng uyển rộng hơn 300m2 ở phía trước với nhiều cây quý, được bao quanh bởi tường rào hình con rồng uốn lượn.

Vườn thượng uyển

Du khách muốn tới chiêm ngưỡng kiến trúc của dinh thự này có thể đến địa chỉ: 186 Ngọc Hà (đi qua cổng 186 rẽ phải, đi men theo tường rào uốn lượn hình con rồng của vườn thượng uyển, đi hết đường là tới tòa dinh thự này).

Ngay khi được đăng tải, dinh thự bị lãng quên của vua Bảo Đại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, không ít người phải trầm trồ vì kiến trúc đặc biệt cũng như sự xa hoa về nơi ở của vị hoàng đế cuối cùng của triều đại phong kiến.

Cầu thang gỗ lim như mới.

Nội thất bên trong nhà được giữ nguyên vẹn

Nguồn: Hồ Hoàng Hải/ group Hà Nội Tri Thức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *