Hoài niệm Hà Nội xưa: Ngạc nhiên với hình ảnh trong những tấm bưu thiếp hàng trăm năm tuổi

Hoài niệm Hà Nội xưa

Qua những tấm bưu thiếp của người nước ngoài, cách đây hơn một thế kỷ, Hà Nội đã mang vẻ đẹp hấp dẫn lạ kỳ.

Với mỗi người con đất Việt, mỗi khi hai tiếng Hà Nội vang lên, tất cả đều nghĩ ngay đến mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Hà Nội vẫn mang nét đẹp cổ kính, bình yên đến lạ. Và qua những tấm bưu thiếp của người nước ngoài, hình ảnh Hà Nội cũ xưa lại để nhớ để thương trong lòng những ai trót yêu mảnh đất này.

Hà Nội 36 phố phường

36 phố phường là một trong đặc trưng rất riêng của Hà Nội, và trở thành đề tài bất tận cho những tấm bưu ảnh về Thủ đô xưa. Dưới thời Pháp, các phố có tên “Hàng” ở đầu vẫn được giữ nguyên nội dung nhưng chuyển sang tiếng Pháp chứ không bị đổi tên hoàn toàn. Có thể kể tới như phố Hàng Bạc là Rue de Changeurs (phố của những người đổi bạc), Hàng Khay là Rue des Brodeurs (phố của thợ khảm trai)…

Phố Hàng Bông (Rue du Coton) là một phố chạy từ ngã tư Hàng Bông-Hàng Gai-Hàng Trống-Hàng Hòm đến cửa ô Cửa Nam. Ngày xưa, phố Hàng Bông gồm nhiều đoạn phố nhỏ, nổi tiếng với những cửa hàng bán đồ khác nhau. Có đoạn bán giày hài, nón, đồ thờ điện bằng giấy; một đoạn khác chuyên làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm; có đoạn lại chuyên nhuộm vải…

Đây là bưu ảnh về phố Hàng Bông (Rue du Coton) những năm đầu thế kỷ XX.

Phố Hàng Bông đầu thế kỉ XX

Một con phố khác là phố Lò Rèn, trước kia là thôn Tân Khai, hình thành từ những người làm nghề sửa chữa nông cụ bằng sắt. Có thời phố còn được gọi là Hàng Bừa vì bán nhiều răng bừa. Khi cầu Long Biên xây dựng, vật liệu cũng như công nghệ chế tác sắt thép được phổ biến, việc tán đinh bu lông đào tạo được nhiều nhân lực bản địa nên nghề rèn phát đạt. Vì thế những phố kế cận với phố Lò Rèn cũng có nhiều nhà mở cửa hàng buôn bán đồ sắt.

Phố Lò Rèn thời xưa

Hàng Đường là cái tên có từ trong ca dao xưa. Phố có nhiều cửa hàng mứt kẹo có tiếng và đặc biệt sầm uất vào những ngày giáp Tết Trung Thu hay Tết Nguyên đán. Ngoài đồ ngọt, Hàng Đường còn có nhiều cửa hàng vải vóc của Ấn kiều và cửa hàng tạp hóa của người Hoa.

Hàng Đường nổi tiếng với nhiều loại mứt kẹo

Thêm một tấm bưu ảnh rất “độc” về phố Hà Nội. Thứ lọt vào tầm ngắm của nhiếp ảnh gia chính là một thảm họa tự nhiên. Đây là khung cảnh Rue Jules Ferry (phố Hàng Trống ngày nay) sau cơn bão tràn vào Hà Nội ngày 09/06/1903.

Phố Hàng Trống sau cơn bão

Xem thêm: Hà Nội khác lạ, đẹp mê hồn với góc nhìn từ trên cao

Những biểu tượng của Thủ đô

Hồ Gươm được coi là linh hồ của Hà Nội. Dưới thời Pháp thuộc, hồ Gươm được biết tới với cái tên Petit Lac (Hồ Nhỏ) nhằm phân biệt với Grand Lac (Hồ Lớn), tức Hồ Tây ngày nay.

“Phố đi bộ” quanh Hồ Gươm cách đây hơn 100 năm

Nhắc đến Hà Nội, nhiều người nhớ ngay đến Nhà Thờ Lớn, nơi được xây theo phong cách kiến trúc Gothic, với khuôn mẫu chính là Nhà thờ Đức Bà Paris. Theo nhiều nguồn tài liệu, nhà thờ được xây dựng trên chính nền móng của tháp Báo Thiên – một trong An Nam tứ đại khí thời xưa.

Tín đồ Công giáo ra khỏi Nhà Thờ Lớn sau buổi lễ thường kỳ

Đền Quán Thánh là ngôi đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – vị thần trấn quản phương Bắc, có từ thời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Vào thời điểm tấm bưu thiếp được chụp, Đền Quán Thánh còn ở sát Hồ Tây chứ chưa có đường Thanh Niên như ngày nay.

Cổng vào của Đền Quán Thánh

Một biểu tượng khác của Hà Nội là cầu Long Biên. Đây được coi là chứng nhân lịch sử của Thủ đô khi vẫn đứng vững sau hai cuộc kháng chiến ác liệt của dân tộc.

Cầu Long Biên khi được khánh thành với cái tên cầu Paul Doumer

Và một Hà Nội rất “thường”

Những cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân cũng trở thành đề tài trong các tấm bưu thiếp, đi đến khắp nới trên thế giới.

Trong bưu thiếp là khung cảnh náo nhiệt ngày chủ nhật ở vườn Bách thảo Hà Nội. Vườn Bách thảo Hà Nội từng là nơi các nhà khoa học sưu tập giống các loài cây và động vật quý của bản địa cũng như từ nhiều nơi trên thế giới.

Vườn bách thảo ngày chủ nhật

Sự khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người Hà Nội cũng đi vào sách ảnh. Đó là những mảnh đời trên sông nước của người dân sống bên bờ sông Hồng.

Cuộc sống của những người gắn với sông nước

Hà Nội hiện lên bình yên đến lạ qua hình ảnh làng nghề làm giấy – làng Thượng Yên, nay thuộc phường Yên Hòa, Cầu Giấy.

Những cô gái làm giấy bình dân

Những tấm bưu thiếp không chỉ mang Hà Nội chu du khắp các quốc gia, mà còn lưu trữ lại những giá trị quý giá, giúp đời sau có một cái nhìn về Hà Nội xưa mà không cũ, xa mà chẳng lạ theo thời gian.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *