Hà Nội xưa qua ống kính nhiếp ảnh: Có những khoảnh khắc đã đi sâu vào trong tiềm thức

ha-noi-xua

Từ những năm mà chiếc máy ảnh có giá trị bằng cả mảnh đất, người họa sĩ yêu nước đã sở hữu nó để lưu trữ những khoảnh khắc để đời này.

Hà Nội đặc biệt lắm

Nghệ sĩ Lê Vượng sinh năm 1918, cầm máy lần đầu năm 1936 khi 18 tuổi. Ông cho biết, lúc đó, chiếc máy ảnh quý trị giá bằng cả mảnh đất ở Hà Nội. Nhưng ông vẫn mua để chụp trong chuyến đi xuyên Đông Dương. Sau chuyến đi đó, Lê Vượng bắt đầu say mê và gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Hà Nội đặc biệt lắm! Dưới những hàng cây giăng mắc đèn lồng đỏ rực rỡ, những đóa hoa sen kết hồng trên cột điện dọc khắp các con phố, hay đèn điện giăng khắp thân cây cổ thụ dọc Hồ Gươm, phố Ha Bà Trưng, Phan Đình Phùng… không khí Tết cứ thế đến, len lỏi vào từng nhành cây, mặt nước, sương mai và trong không khí, trong hơi thở phập phồng của Hà Nội.

>>> Xem thêm: Tết Hà Nội trong lòng người xa xứ: Những nỗi nhớ khắc khoải cứ thường trực hiện về

Hà Nội là đâu đó trên từng góc phố, những em bé xinh xắn, những cô người mẫu mặc áo dài thướt tha, những thanh nam thiếu nữ đứng tạo dáng chụp ảnh bên những gốc cây cổ thụ già; Hà Nội là cảnh mua sắm nhộn nhịp trong phố cổ, Hàng Mã, Hàng Ngang, Hàng Đào…

Tác phẩm của Lê Vượng được đánh giá là luôn có chất riêng và khó trộn lẫn với bất cứ tác giả đương thời nào. Ảnh của ông không chỉ ghi lại một khoảnh khắc mà còn chất chứa nhiều yếu tố hội họa.

Trẻ em háo hức mua quần đẹp áo mới, người lớn sắm sửa đồ lễ, mâm ngũ quả. Hà Nội là những du khách nước ngoài khoác ba lô nắm tay nhau đi dạo bên đài phun nước Hồ Gươm trong cái thanh bình của mùa xuân phảng phất. Là anh lái xích lô guồng chân đạp dưới hàng cây lá đỏ đang thả rơi từng chiếc lá xuống vỉa hè một trưa hửng nắng…

Những năm 1930 của thế kỷ 20, với chiếc máy ảnh, Lê Vượng lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc của thủ đô.

Những chuyến tàu điện đáng nhớ

Lớp trẻ sinh ra sau 1975 thì không còn được nghe tiếng chuông leng keng ấy nữa và cũng không còn được nhìn thấy con cuốn chiếu khổng lồ đi từ từ chậm rãi trong lòng Hà Nội và trên lưng nó có một chiếc cần câu, to hơn cần câu rê để câu cá chuối, nó vút lên trời như muốn câu lấy một chút mây cho đường phố thêm vui.

Ảnh một đường tàu điện cắt ngang phố. Đây là một trong những phương tiện giao thông quan trọng trên đường phố Hà Nội xưa. Đến đầu thập kỷ 1990, các tuyến xe điện lần lượt ngừng hoạt động. Nhưng tiếng chuông leng keng của tàu điện đã đi vào tâm thức của nhiều người.

Từng có 4 tuyến đường tàu điện trong Hà Nội. Một đường bắt đầu từ chợ Mới Mơ qua các phố Bạch Mai, Hàng Bài (có thời kỳ phố này mang tên Đồng Khánh) qua ga chính là Bờ Hồ trên phố Đinh Tiên Hoàng, chỗ đài phun nước ngày nay, tên chính là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khi dỡ bỏ đường tàu điện thì mới có đài phun nước. Đường tàu điện tiếp tục từ ga này qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường. Hàng Giấy, Chợ Đồng Xuân, Quán Thánh, Thụy Khuê và kết thúc ở chợ Bưởi, chỗ có gốc đa cổ thụ và cái giếng thơi cũng cổ. Đường tàu điện này dài hơn 10 cây số.

Tết ở Hà Nội

Hà Nội đặc biệt lắm, chưa đến Tết mà đã có những buổi sum họp gia đình, những cụ ông chăm lo cho bàn thờ tổ tiên, cụ bà đon đả bánh trái với bầy trẻ con, những cô dâu, chàng rể ra chợ hoa ôm từng bó về cắm trong nhà, trên bàn thờ tỏ lòng hiếu nghĩa.

Bốn sư cô tươi cười khi bắt gặp ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Vượng.

Cái không khí Tết lúc nào cũng về sớm trong từng mái nhà, từng con ngõ, nơi những người con xa Hà Nội khấp khởi tìm về với Tết. Những cảnh dân dã mà thanh tao của người Hà Nội được thể hiện rõ nét nhất trong cái Tết cổ truyền, khiến cho ai đi đâu cũng thấy xốn xang mỗi độ xuân về.

Trong những tác phẩm chụp Hà Nội cũ, Lê Vượng thường hướng góc máy vào những mái nhà phố cổ, một cành cây, một đường tàu điện cắt ngang phố hoặc những người dân bình dị đi trên đường.

Những con người sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hoá, để rồi thẩm thấu, chắt lọc và toả sáng. Dù Hà Nội giờ đã mở rộng hòa chung nền văn hóa với những vùng lân cận, nhưng những yếu tố cốt lõi làm nên văn hoá Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn hiến vẫn trường tồn. Cái cảm nhận về Hà Nội lại càng rõ nét trong văn hóa giao tiếp, lễ nghĩa mỗi khi Tết đến.

Những đứa trẻ nô đùa trên cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn. Khi đó, cây cầu này màu đỏ son, làm bằng gỗ và có nhiều trụ liên tiếp.

Cuộc sống đang trôi theo một dòng chảy không ngừng. Đất trời, con người cũng cuốn theo dòng chảy ấy, nhưng Hà Nội vẫn mãi là Hà Nội trong trái tim của đất nước, của những con người Hà Nội. Lại một mùa xuân nữa đang về với Thủ đô, với cả nước, mang bản tình ca hòa điệu giữa đất trời và con người. Cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống con người dường như tràn đầy sức sống như bức tranh đầy màu sắc.

Những tác phẩm của Lê Vượng không chỉ có giá trị tư liệu về kiến trúc, đời sống con người mà còn khơi gợi nhiều đường nét hình khối và truyền cảm hứng cảm xúc cho sáng tạo trong mỹ thuật.

Thong dong từng bước dạo phố ngắm nhìn khung cảnh mùa xuân Hà Nội, trong lòng chợt nghĩ, chẳng bao giờ ta có thể rời xa mảnh đất nghìn năm văn hiến này… bởi Hà Nội luôn ở trong trái tim ta.

Theo Redsvn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *