Chuyện chưa kể về ngôi làng của những người “lang bạt” ngay giữa lòng Thủ đô

làng lang bạt siêu quần

Gốc gác của phần đông người dân Siêu Quần (Thanh Trì, Hà Nội) là ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), họ di dân ra đây từ đầu thời Lê sơ, và họ rước luôn cả thành hoàng làng ở trong Thanh Hóa là khai quốc công thần Trịnh Khả ra Hà thành để lập làng mới.

Tôi đi hơn 2km đường đê sông Nhuệ từ thôn Phúc Khê vào thôn Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) mà chẳng hề gặp một nhà dân nào, ngược lại hai bên đường rợp bóng tre xanh làm cho tôi sống lại ký ức tuổi thơ với bức tranh làng quê sống động.

 “Lang bạt Siêu Quần, cao quan Kẻ Lủ”

Cái tên Siêu Quần làm tôi liên tưởng đến diễn viên Kim Siêu Quần, người thủ vai Bao Thanh Thiên trong bộ phim cùng tên của Hồng Kông sản xuất năm 1993. Nhưng thực tế, chẳng có liên quan gì giữa tên làng và nam diễn viên này cả.

Cổng vào làng Siêu Quần ở Tả Thanh Oai
Cổng vào làng Siêu Quần ở Tả Thanh Oai

Siêu Quần, nếu chiết tự ra ta sẽ thấy ngay ý nghĩa tên làng, “siêu” nghĩa là chỉ tính chất ở mức cao, “quần” nghĩa là tụ lại, tức tụ lại ở mức độ cao. 

Tôi còn biết thêm, tên chữ làng Siêu Quần là Quần Cư, tức là tập trung dân cư ở nhiều nơi lại đây sinh sống, tên nôm làng là Kẻ Gùn mà “gùn” nghĩa là tập trung lại. Ấy thế mới thấy người xưa đặt tên thật ý nghĩa, thâm thúy chứ chẳng phải ở làng này may quần, may áo gì như kiểu ngôn ngữ thời hiện đại bây giờ.

Ban đầu, tôi đi từ hướng làng Đan Nhiễm (huyện Thường Tín), định dọc đê sông Nhuệ khoảng 1km là sang Siêu Quần nhưng đường đê toàn gạch ngói vỡ, rất sắc nhọn nên tôi chuyển hướng đi từ đường làng Tó vào.

Nghe người dân nơi đây nói, đường đê sông Nhuệ 80km bê-tông dải đẹp tăm tắp xuống tận Phủ Lý (Hà Nam) nhưng chẳng hiểu sao có mỗi hơn 1km đoạn đê Siêu Quần là “đổ nát hoang sơ”, mang tiếng làng thuộc Hà Nội gốc (Hà Nội khi chưa sáp nhập thêm Hà Tây).

Những bụi tre ở làng Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì
Những bụi tre ở làng Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì

Chính vì lẽ đó mà giao lưu giữa làng Siêu Quần và các làng lân cận hạn chế hẳn, người ta bảo đi vào Siêu Quần là đi ngược vào thời gian “20 năm trước”, chẳng những đường đê mà cả đường làng cũng lắm ổ gà, ổ chim không như các làng, xã nông thôn mới khắp Hà Nội.

Làng tôi ở huyện Thường Tín, độ 20 năm trước thì lũy tre vẫn sừng sững khắp làng, chúng tôi vẫn thường chơi các trò chơi từ tre như chơi khăng, chơi gẩy vòng, gấp hình con vật từ lá, làm cần câu cá còn người lớn thì lấy tre làm cán cuốc, chẻ lạt…. tự bao giờ mà tre chẳng còn hiện hữu trong làng, nhường chỗ hết cho các khối bê-tông mọc lên, có phần ngột ngạt.

Để rồi khi tôi đi trên đường đê ở Siêu Quần, nhìn thấy hai hàng tre xanh mươn mướt, mùi tre thơm ngào ngạt lại thêm tiếng tre xào xạc trong gió làm tôi vô cùng bồi hồi. 

Phải chăng, chính sự cô lập hơn về địa lý, chấp nhận cái “nghèo” hơn một chút so với các làng lân cận mà Siêu Quần giữ được vẻ bình yên thôn dã, giữ được môi trường trong lành hơn và giữ được tuổi thơ của không ít người thuộc thế hệ 9x trở về trước.

Đường làng Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) rợp bóng cây xanh
Đường làng Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) rợp bóng cây xanh

Trò chuyện với một lão nông ở gần đình làng, tôi mới biết rằng gốc gác của phần đông người dân Siêu Quần là ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), họ di dân ra đây từ đầu thời Lê sơ, và họ rước luôn cả thành hoàng làng ở trong Thanh Hóa là khai quốc công thần Trịnh Khả ra Hà thành để lập làng mới.

Ngoài ra, ở Siêu Quần còn rất nhiều người gốc gác khác như ở vùng Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế), một số sĩ phu khởi nghĩa chống giặc Minh thất bại cũng về Siêu Quần ẩn cư hay các tù binh Chiêm Thành được đưa ra vùng này khai khẩn đất hoang trong nhiều thế kỷ. 

Người dân nơi đây còn có câu ngạn ngữ “Lang bạt Siêu Quần, cao quan Kẻ Lủ” để chỉ sự quần tụ dân cư nhiều nơi ở Siêu Quần.

Đến nay, người dân Siêu Quần vẫn giữ được giọng nói đặc trưng của vùng Thanh Hóa trở vào trong, tạo nên một ngôi làng khác biệt về phương ngữ giữa lòng thủ đô.

Lễ hội ở làng Siêu Quần
Lễ hội ở làng Siêu Quần

>>> Xem thêm: Về thăm ông lão “b̼á̼n̼ h̼ơ̼i̼” k̼i̼ế̼m̼ t̼i̼ề̼n̼ ở Hà Nội: “G̼i̼à̼u̼ sao được nghề này, chỉ l̼ấ̼y̼ c̼ô̼n̼g̼ l̼à̼m̼ l̼ã̼i̼ thôi”

Bảo tồn “những mảng xanh”

Đi dọc đê sông Nhuệ, tôi thấy rất nhiều ô trũng vì xa xưa đây là vùng đầm lầy lau sậy, thường xuyên úng lụt. Địa thế tự nhiên không thuận lợi là lý do dân Siêu Quần khó khăn hơn các làng lân cận. 

Thế đất ở Siêu Quần cũng rất yếu, vậy nên chẳng có mấy nhà cao tầng, nhà gác cứ một hai tầng đều đều, dân tình có nhịp sống chậm giữa dòng đời hối hả.

Các hộ dân ở đây tận dụng các đầm, ô trũng để nuôi cá nuôi ếch, chân lấm tay bùn cả ngày không mấy ai nghĩ đây là một làng thuộc thủ đô Hà Nội.

Dọc khắp con đường ở Siêu Quần, chỉ trừ trục đường chính là nhà cửa, còn lại các con đường khác đều phủ bóng cây xanh, không cây cao bóng mát thì cũng là vườn tược, cây ăn quả nên không khí ở đây trong lành đến lạ.

Đình làng Siêu Quần cổ kính bên ngã ba kênh Hòa Bình – sông Nhuệ
Đình làng Siêu Quần cổ kính bên ngã ba kênh Hòa Bình – sông Nhuệ

Trên cánh đồng, từng đàn bò vẫn gặm cỏ, từng đàn trâu vẫn đằm mình dưới bùn, mùi bùn ngai ngái làm tôi nhớ lại tuổi thơ, đã bao lâu rồi tôi chẳng thấy trâu đằm, chẳng được ngửi mùi bùn tươi không hóa chất hay trộn lẫn túi nilong. Sản vật ở đây không gì khác là các loại rau, hoa quả, người dân cũng thường chở ra ra bán ở chợ Tó hoặc cầu Văn Điển.

Ngoài ra, Siêu Quần còn có hai di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là đình Siêu Quần và chùa Linh Ứng, điểm tựa tâm linh của nhân dân địa phương.

Chỉ tiếc rằng, bên kia là sông Nhuệ bao bọc làng thì lại có màu đen kìn kịt, mùi nước pin thối bốc lên.

Dòng sông Nhuệ bị ô nhiễm gây nhiều hệ lụy đối với người dân Siêu Quần
Dòng sông Nhuệ bị ô nhiễm gây nhiều hệ lụy đối với người dân Siêu Quần

Ô nhiễm sông Nhuệ không phải do người dân mà do nước thải công nghiệp từ các nhà máy ở khu vực Văn Điển, đã gần 20 năm nay, tình trạng này diễn ra và bóp chết con sông Nhuệ huyền tích ngàn xưa.

Cũng bằng đó thời gian, cư dân sống dọc hai bên bờ sông Nhuệ kêu than với các cơ quan chức năng về sự cố môi trường này, nhưng không có mấy tín hiệu tích cực, chỉ biết rằng số người chết vì ung thư ngày càng gia tăng không chỉ ở Siêu Quần mà rất nhiều làng ven hai bên bờ sông. 

Hội đua thuyền ở làng Siêu Quần
Hội đua thuyền ở làng Siêu Quần

Mong muốn của người dân Siêu Quần với sông Nhuệ không gì khác là hãy trả lại màu phù sa cho dòng sông huyền tích này.

Gần 600 năm định cư ở vùng đất trũng ven sông Nhuệ, cộng đồng dân cư Siêu Quần vừa giữ được giọng nói vùng miền, vừa hội nhập được nét đẹp văn hóa của người dân Hà thành, đoàn kết tương trợ nhau trong cuộc sống, tạo nên bản sắc riêng của làng Siêu Quần xanh, sạch xứng đáng được gọi là “bức tranh làng quê” giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Theo: Mộc Kiều, Báo Dân Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *