Lặng ngắm những ngôi nhà cổ Hà Đông: Bóng dáng của một đô thị sầm uất khi xưa

Thị xã Hà Đông đã từng là một đô thị cổ sầm uất. Trải qua hơn một trăm năm hình thành và phát triển, Hà Đông nay trở về là một quận của Hà Nội nhưng vẫn còn đó những căn nhà, những khu phố cổ nằm im ắng bên bờ Nhuệ Giang.

Nhớ Hà Đông một thuở

Thời nhà Nguyễn, quận Hà Đông nguyên là làng Cầu Đơ thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội, có cầu Đơ lợp ngói bắc qua sông Nhuệ. Năm 1888, sau khi phần đất của thành Hà Nội c̼ắ̼t̼ làm n̼h̼ư̼ợ̼n̼g̼ đ̼ị̼a̼ cho Pháp, phần còn lại của tỉnh Hà Nội thành lập tỉnh Cầu Đơ, với tỉnh lỵ ở Cầu Đơ.

Năm 1904, tỉnh Cầu Đơ đổi tên thành tỉnh Hà Đông, và tỉnh lỵ Cầu Đơ cũng đổi tên thành thị xã Hà Đông. Tỉnh Hà Đông bao gồm thị xã Hà Đông, các phủ Hoài Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, huyện Hoàn Long (nguyên là khu vực ngoại thành Hà Nội).

Thị xã Hà Đông chính thức thành lập vào ngày 6-12-1904 (tỉnh Hà Đông), cho đến nay đã tồn tại hơn một trăm năm. Năm 2008, Hà Đông trở lại thành một quận của Thành phố Hà Nội.

Nhà cổ Hà Đông

Nằm trong một tỉnh nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Đông – Hà Tây – Hà Sơn Bình – Hà Tây tái nhập, thị xã vẫn luôn luôn giữ vai trò trung tâm bởi vị trí đắc địa. Đây là nơi phát triển giao thương vô cùng nhộn nhịp ở phía tây nam của Hà Nội và là một vùng làng nghề tiểu thủ công rất phát triển.

Đến nay, thị xã Hà Đông đã trở thành một quận rộng thứ hai của Hà Nội, song vẫn còn đó bóng dáng của một đô thị cổ sôi động trước kia.

Khi mới hình thành thị xã Hà Đông chỉ rộng khoảng 1km2 nằm dọc 2 bên quốc lộ 6 ven sông Nhuệ. Tại khu trung tâm các phố được chia nhỏ như ô bàn cờ, hoạt động giao thương sầm uất.

Các khu phố Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bùi Bằng Đoàn… được xem là những tuyến phố trung tâm của thị xã Hà Đông xưa kia. Các khu phố ở đây có nét khá tương đồng với khu 36 phố cổ của Hà Nội.

Căn nhà tại số 46-48 Trần Hưng Đạo vẫn được giữ nguyên vẹn hình dáng bên ngoài của một ngôi nhà cổ

Bà Trần Thị Đình (82 tuổi, 46 Trần Hưng Đạo) cho biết: “Lúc tôi còn bé tí đã thấy ngôi nhà ở đây rồi. Từ đó đến nay, căn nhà vẫn giữ nguyên vẹn, không sửa sang lại gì. Bên ngoài là cánh cửa gỗ, bên trong vẫn giữ từ viên gạch đất nung, cầu thang gỗ, t̼r̼ầ̼n̼ c̼ó̼t̼ é̼p̼. Trông thế thôi chứ đây toàn là gỗ lim đấy”.

Trải qua thời gian dài như vậy nhưng những căn nhà mang dáng dấp của một tỉnh lỵ sôi động khi xưa vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn

Ban công kiểu kiến trúc ngày xưa vẫn được giữ lại
Các hoạ tiết từ một thời đã xa
Ngôi nhà số 8 Phan Bội Châu in dấu thời gian với những hoa văn theo kiến trúc cổ vẫn còn được giữ gìn

Căn nhà nằm trên ngã tư Trưng Nhị – Hoàng Văn Thụ được xây dựng từ năm 1926 vẫn còn được giữ nguyên vẹn kiến trúc từ hình dáng, lan can cho tới cánh cửa gỗ nâu

Xem thêm: Chùm ảnh: Cuộc sống sôi động ở thị xã Hà Đông thập niên 1920

Bóng dáng của một đô thị sầm uất

Khi xưa, Hà Đông là nơi phát triển giao thương vô cùng nhộn nhịp ở phía tây nam của Hà Nội và là một vùng làng nghề tiểu thủ công rất phát triển. Có thể kể đến các làng nghề thủ công nổi tiếng như lụa Vạn Phúc, dao kéo Đa Sỹ…

Lụa Vạn Phúc làm nổi danh cho thị xã Hà Đông. “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.  Câu thơ Nguyên Sa gợi nhớ một dĩ vãng vàng son nghề tằm tang…

Phố Trưng Nhị ngày nay vẫn còn nhiều căn nhà mang dáng dấp của một đô thị phát triển sôi động cách đây cả trăm năm

Ngày nay, Hà Đông vẫn còn đó những khu phố với nhiều ngôi nhà cổ xen lẫn với nhà mới xây và mang bóng dáng của một đô thị sầm uất khi xưa. Hà Đông vì thế vẫn lưu giữ lại một khu phố cổ thứ hai của người Hà Nội.

Hà Đông như cô gái đẹp và hiền nhưng đ̼a̼ đ̼o̼a̼n̼, l̼ậ̼n̼ đ̼ậ̼n̼. Chỉ hơn một thế kỷ mà qua 6 lần thay đổi địa vị, từ tỉnh lỵ của tỉnh Hà Đông, tỉnh Cầu Đơ rồi trở về với tỉnh lỵ của tỉnh lớn Hà Sơn Bình. Xong lại quay về tỉnh lỵ của Hà Tây. Một dạo ngắn ngủi được nâng cấp lên thành phố Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây và rồi bỗng dưng một ngày nọ, Hà Đông về làm một quận của Hà Nội mở rộng…

Nhưng với nhiều người, Hà Đông vẫn cứ đẹp, bình yên như thế, cổ kính, và không ồn ào.

(Theo VOV, Pháp Luật và Đời Sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *