Hình ảnh cực sinh động về giao thông Hà Nội đầu thập niên 1990: Đu người trên tàu hỏa, Honda “hàng bãi” kín phố

Qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Đức Hans-Peter Grumpe, những bức ảnh về giao thông Hà Nội đầu thập niên 1990 đẹp đến nao lòng.

Nhiếp ảnh gia 3 lần đến Việt Nam những năm 90

Đến thăm Việt Nam vào đầu thập kỷ 1990, thời điểm mà ngành du lịch mới bắt đầu mở cửa, Hans-Peter Grumpe – nhiếp ảnh gia người Đức, đã có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp “nguyên sơ”, chưa bị tác động nhiều bởi xu thế thương mại hóa của xứ sở lúa gạo này. Ông đã ở Việt Nam tổng cộng 83 ngày (trải dài trong 3 năm 1991, 1992, 1993), vào tháng 7 và tháng 8, tức là mùa mưa – khoảng thời gian thời tiết rất ẩm và nóng, đặc biệt là tại Hà Nội. Dường như đó cũng là khoảng thời gian mà phong cảnh đẹp nhất và nhịp sống diễn ra sôi động nhất ở một đất nước cận nhiệt đới.

Khung cảnh giao thông nhộn nhịp đời thường

Trong 3 năm ấy, Grumpe đã cảm nhận được những thay đổi chóng mặt về kinh tế của một quốc gia đang phát triển. Cụ thể, trong khi vào năm 1991, Hà Nội hầu như chỉ có xe máy “Simson” và “MZ” của Đông Đức cũ thì đến năm 1993, chúng đã gần như hoàn toàn biến mất và được thay thế bằng các mẫu xe của Nhật Bản. Vào ban đêm, đường phố cũng được chiếu sáng nhiều hơn, các cửa hàng được mở ra ngày càng nhiều, những khu nhà cũ được phá bỏ. Biết đến Việt Nam từ thời còn là một sinh viên tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trên đường phố, Grumpe đã ngay lập tức bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của cảnh quan cùng lòng tốt và sự hiếu khách của người dân ngay trong lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây, theo như thổ lộ của ông trên website cá nhân.

Đường phố Hà Nội giờ cao điểm

Grumpe nhận xét: “Nhìn chung, trong dân chúng có một sự lạc quan lớn về sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế”. Thành quả mà nhiếp ảnh gia người Đức có được sau các chuyến đi là 1.600 bức ảnh đặc sắc, ghi lại phong cảnh, đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam ở hơn 20 tỉnh thành, trải dài trên 3 miền đất nước. Dưới góc nhìn của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Grumpe đã khắc họa sinh động bộ mặt của một đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam chăm chỉ, cần cù và giàu tình bằng hữu.

>>> Xem thêm: Biểu tượng kinh doanh sầm uất bậc nhất Hà Nội xưa bây giờ ra sao?

Hình ảnh về giao thông Hà Nội đầu thập niên 1990

Xe đạp phượng hoàng, xe cub, xích lô hay cả xe bò đi trên phố… là những hình ảnh cực sinh động về giao thông Hà Nội đầu thập niên 1990 được ghi lại qua ống kính nhiếp ảnh gia Đức Hans-Peter Grumpe.

Chiếc xe đạp – phương tiện giao thông chủ yếu trên phố Hà Nội những năm 1990

Vào năm 1991, xe đạp vẫn là phương tiện giao thông chính của Hà Nội. Chiếc xe đạp phượng hoàng là một tài sản khá lớn của các gia đình trong giai đoạn này. Xe đạp được xem là phương tiện “thần thánh” khi có thể dùng vào nhiều mục đích.

Dạo phố phường trên xích lô sẽ đem lại một cảm giác rất… Hà Nội.

Những chiếc xe xích lô xuất hiện trên khắp các đường phố là hình ảnh đặc trưng của giao thông Hà Nội đầu thập niên 1990. Không chỉ chở người, xích lô còn được dùng để chở đủ loại hàng hóa khác nhau. Sức tải của những chiếc xe chạy bằng sức người này là rất đáng nể.

Những chiếc xe thể hiện “đẳng cấp”

Xe máy, chủ yếu là xe Honda “hàng bãi”, xuất hiện ngày càng nhiều và đang dần dần thay thể cho xe đạp. Bãi để xe cạnh chợ Đồng Xuân dày đặc xe máy năm 1991.

Xe lam tụ tập đầy cổng chợ Đồng Xuân

Những chiếc xe lam tập kết bên ngoài chợ Đồng Xuân (1993). Xe lam là loại xe thùng nhỏ có 3 bánh xe, gồm một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước và một thùng xe để chở khách hay chở hàng phía sau. Xe lam là phương tiện rất phổ biến vào thời đó.

Những năm này vẫn còn những chiếc xe bò đi trên phố, chủ yếu sử dụng để chở hàng cồng kềnh.

Hình ảnh tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên (1991), những chiếc xe khách cũ kỹ đỗ ngoài cổng công viên Thống Nhất cũng nằm trong bộ sưu tập của nhiếp ảnh gia Hans-Peter Grumpe.

Cảnh chờ tàu qua tại một điểm chắn tàu năm 1991.

Ô tô thời đó thuộc diện xa xỉ. Thỉnh thoảng trên phố xuất hiện một chiếc xe ô tô con. Xe con giai đoạn này chủ yếu là xe của các cơ quan đoàn thể, xe cá nhân rất hiếm.

Theo Redsvn, Tri thức và Cuộc sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *