Ảnh xưa hiếm có về cầu Long Biên của Hà Nội: Lúc đang thi công, chợ cóc họp dưới gầm cầu

Cầu Long Biên là một cây cầu nổi tiếng của Hà Nội nhưng có lẽ ít ai biết đến những hình ảnh lịch sử thuở xa xưa từ thời kì thi công của cây cầu bắc qua ba thế kỷ này.

Cây cầu là nhân chứng lịch sử

Ngày này, cầu Long Biên đã trở thành quen thuộc và là một phần không thể thiếu của Hà Nội, bởi đó là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, và kể từ đó tới nay đã hơn một trăm năm trôi qua. Cầu được khởi công xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành năm 1902, nằm trong chương trình phát triển giao thông khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương. Từ khi ra đời, cầu Long Biên đã được coi là biểu tượng của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc đầu thế kỷ 20. Vào thời điểm đó, Long Biên là cây cầu thép thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, và là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ).

Cầu Long Biên là một phần không thể thiếu của Hà Nội

Cầu Long Biên dài 1682m, gồm 19 nhịp (các nhịp tuần tự cách nhau 75m rồi 106m). Cầu rộng 4,75 m dành cho xe lửa ở giữa, hai bên là hai lối đi cho khách bộ hành và ô tô rộng hơn 3m. Đầu cầu phía Tây (nội thành Hà Nội) có cầu dẫn bằng gạch dài 896m, cao 5m, với 125 vòm. Cầu Long Biên được thiết kế và thi công bởi hãng Daydé & Pillé (Paris, Pháp). Được thừa hưởng những tiến bộ kỹ thuật trong khoa học xây dựng đương thời ở châu Âu – đặc biệt là thể loại công trình kết cấu thép; cầu Long Biên kế thừa được cả yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật của thể loại này.

Mặc dù là một cây cầu lớn, có đường sắt, bắc qua sông lớn, nhưng cầu Long Biên lại nằm ngay sát nội thành Hà Nội, kế bên khu phố cổ. Và điều đó đã được nhà thiết kế xử lý rất khéo léo bằng nhiều giải pháp như hệ đường dốc lên xuống hợp lý, ga đường sắt trên cao; hệ thống cầu sắt ở đường dẫn trên cao qua các tuyến phố. Cho tới giờ vị trí của cầu Long Biên vẫn đắc địa về mặt giao thông, địa hình và cảnh quan đô thị. Cầu Long Biên có nhiều điểm nhìn đẹp từ hai đầu cầu, từ bờ sông, ngay cả trên cầu và dưới sông Hồng. Ở mỗi góc nhìn, mỗi thời điểm người ta có một cảm nhận khác nhau, cảm xúc khác nhau.

Cây cầu là nhân chứng lịch sử, trải qua bao thăng trầm của đất nước

Trong thời gian c̼h̼i̼ế̼n̼ ̼t̼r̼a̼n̼h̼ chống Mỹ, cầu Long Biên là trọng điểm đ̼á̼n̼h̼ ̼p̼h̼á̼ của không lực Hoa Kỳ, là nơi hứng nhiều b̼o̼m̼ ̼đ̼ạ̼n̼ nhất ở Hà Nội. Cầu đã nhiều lần bị t̼r̼ú̼n̼g̼ ̼b̼o̼m̼ và có những nhịp cầu đã chìm sâu dưới đáy sông. Cây cầu bây giờ không còn nguyên vẹn nữa, những nhịp cầu nhấp nhô bị gián đoạn. Dẫu vậy, cầu Long Biên vẫn giữ vai trò là tuyến giao thông quan trọng.

Về sau, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long được xây dựng thì cầu Long Biên được chia sẻ và cũng trở nên lặng lẽ hơn. Cầu chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ, trở thành cây cầu của những người nghèo, là bạn của những người dân lao động ngoại thành. Cầu là nơi đi về, cầu là nơi mua bán, cầu là nơi người già tập thể dục, là nơi những đứa trẻ chơi đùa trò sông nước… Cầu là nơi hóng mát, tâm tình hò hẹn; cầu cũng là chốn cưu mang cho nhiều số phận bất hạnh vô gia cư.

>>> Xem thêm: Biểu tượng kinh doanh sầm uất bậc nhất Hà Nội xưa bây giờ ra sao?

Ảnh xưa hiếm có về cầu Long Biên của Hà Nội

Cầu Long Biên lúc đang được thi công, chợ cóc họp dưới gầm cầu, chuyến tàu hỏa qua cầu… là những hình ảnh lịch sử ít người biết về cầu Long Biên nổi tiếng của Hà Nội thuở xa xưa.

Một hình ảnh hiếm có về cầu Long Biên lúc đang được thi công. Ảnh tư liệu.
Cầu Long Biên khoảng năm 1901 trong một bức ảnh tô màu của Pháp. Ảnh tư liệu.
Cầu Long Biên năm 1939. Góc phải bên dưới là một chợ cóc họp dưới gầm cầu. Ảnh tư liệu.
Cầu Long Biên và sông Hồng trong mùa cạn, hình ảnh được giới thiệu trong một triển lãm quốc tế ở Paris năm 1931. Ảnh tư liệu.
Một chiếc xe tải đi qua cầu Long Biên, năm 1940. Ảnh tư liệu.
Những người phụ nữ từ cầu Long Biên đi xuống khu phố cổ Hà Nội, 1940. Ảnh tư liệu.
Bãi gỗ ở bờ sông Hồng, gần cầu Long Biên. Gỗ được chở bằng thuyền từ nhiều địa phương được tập kết ở đây trước khi đưa tới các xưởng gỗ. Ảnh tư liệu.
Tàu hỏa qua cầu Long Biên, năm 1909. Ảnh tư liệu.

Hơn một trăm năm qua, cầu Long Biên đã soi bóng xuống sông Hồng và gắn bó với bao thăng trầm của Hà Nội, trở thành nhân chứng của những sự kiện lịch sử. Là cây cầu bắc qua 3 thế kỷ và mang trên mình những vết thương của chiến tranh, nhưng Long Biên vẫn sừng sững thi gan cùng thời gian, vẫn bền bỉ lặng lẽ nối đôi bờ sông mẹ.

Cầu Long Biên đã trở thành biểu trưng của Hà Nội, là một phần linh hồn mang đậm những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội. Dường như với mỗi người Hà Nội, Long Biên trở thành một phần của ký ức; cũng là gạch nối giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Theo Tạp chí Kiến trúc, Tri thức và Cuộc sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *