Bí ẩn về cột tháp sừng sững trên trục đường Phan Thanh Giản: Từng là nhà máy nước cho 90% dân Sài Gòn xưa

Bí ẩn về cột tháp sừng sững trên trục đường Phan Thanh Giản: Từng là nhà máy nước cho 90% dân Sài Gòn xưa

Người Sài Gòn xưa và nay, chắc chắn không ai là không biết đến hình ảnh cột tháp cao ngay cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn – cột tháp sừng sững trên trục đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ).

Cột tháp đã có từ 50 năm trước

Đối với người Sài Gòn trong hơn 50 năm qua, hẳn là ai cũng quen thuộc với hình ảnh một cột tháp cao ở cửa ngõ phía đông của thành đô Sài Gòn. Nếu đi từ Hàng Xanh vào thì cột tháp nằm bên phải đường Phan Thanh Giản (xưa), nay là đường Điện Biên Phủ, trước khi vào đến cầu.

Hình ảnh cột tháp đã quá nổi bật và quen thuộc với bất kỳ ai đi ngang qua đoạn đường này. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cột tháp xây dựng ở đó với mục đích gì và có công dụng gì. Bài viết này sẽ trả lời cho những bạn đọc hiếu kỳ về quá trình hình thành, công dụng và nguyên lý hoạt động của cột tháp này, cũng như gửi đến bạn đọc những hình ảnh của cột tháp trước năm 1975.

Cột tháp sừng sững như một chiếc tên lửa

Hình ảnh quen thuộc này là cột tháp điều áp (có nơi gọi là tháp cắt áp), được xây dựng năm 1966, cùng thời điểm khánh thành nhà máy nước Thủ Đức, và là nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Cho đến tận ngày nay, nhà máy nước này vẫn đang là nơi cung cấp nước chính cho Sài Gòn.

Cột tháp trên đường Phan Thanh Giản là một trong 2 tháp điều áp của nhà máy nước Thủ Đức. Tháp còn lại nằm ở gần ngã tư Thủ Đức, ở ngay nhà máy nước như hình ở bên dưới.

Công dụng của cột tháp

Công dụng của tháp điều áp này là điều tiết, ổn định áp lực nước từ nhà máy nước Thủ Đức. Tháp điều áp này cao hơn 30 m, có nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Dọc thân tháp có một đường ống nối thông với đường ống cấp nước lớn bên dưới. Khi nước từ nhà máy bơm vào đường ống lớn chạy về đến tháp, áp lực nước sẽ được điều tiết, giảm xuống, trước khi nguồn nước này hòa vào mạng lưới đường ống nhỏ hơn.

Nếu không có tháp điều áp này thì sẽ gây ra rất nhiều phiền toái cho nhà máy nước

Thí dụ nếu nước từ nhà máy bơm ra với áp lực lớn tương đương với cột nước cao hơn 30m thì khi đến tháp điều áp này, nước sẽ được đẩy lên đỉnh tháp. Theo đó, áp lực nước được giảm xuống. Nếu không có tháp điều áp này thì nước từ đường ống lớn đổ vào sẽ có áp lực lớn, khi hòa vào mạng lưới đường ống cấp nước nhỏ hơn sẽ gây ra tình trạng xì, bể đường ống.

>>> Xem thêm: Khám phá khu di tích Bãi Cọi Hà Tĩnh – nơi phát hiện nhiều vết tích của các nền văn hóa người Việt Cổ

Nhà máy nước Thủ Đức được khánh thành vào ngày 12 tháng 12 năm 1966, nằm ở khu vực Linh Trung hiện nay, cung cấp 90% nhu cầu nước máy sinh hoạt của thủ đô Sài Gòn. Đây là một sự kiện trọng đại, vì từ thời điểm đó, hầu hết người dân Sài Gòn được dùng nước máy, không còn lấy nước phông tên nữa.

Toàn cảnh nhà máy nước Thủ Đức, bên phải ảnh là tháp điều áp

Thực ra nước máy ở Sài Gòn đã có từ rất lâu, nhưng chỉ có ở khu vực trung tâm, mặt tiền. Chỉ đến khi nhà máy nước Thủ Đức ra đời thì nước máy mới được “phổ cập” đến 90% người dân ở thành đô. Cũng từ thời điểm đó, tháp điều áp của đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ, trở thành một hình ảnh thân thuộc với người Sài Gòn.

Cùng ngắm nhìn một số hình ảnh khác của tháp điều áp ở Thủ Đức:

Tháp điều áp trên đường Phan Thanh Giản lúc đang xây dựng năm 1966 (góc trên bên trái hình)
Đường Phan Thanh Giản, đoạn đi từ trung tâm ra Hàng Xanh (Lúc này tháp đã xây xong)

Mời bạn xem thêm một số hình ảnh về quá trình xây dựng nhà máy nước và lắp đường ống dẫn nước máy vào thành đô Sài Gòn:

Lắp đường ống dẫn nước…
..vào đến tận sâu trong thành phố để cấp nước cho người dân

Tháp điều áp – từng là nhà máy nước cho 90% dân Sài Gòn xưa đã trở thành một biểu tượng không thể nào thay thế được của thành phố Thủ Đức. Nhiều người du lịch tới đây và cảm thấy thích thú khi khám phá về kiến trúc cũng như lịch sử của chiếc tháp này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *