Ký ức chợ Kẻ Bưởi: Bán cả trâu bò, vừa mua vừa nghe tiếng leng keng tàu điện

Chợ Bưởi một trong những chợ cổ nhất Hà Nội cho đến ngày nay vẫn duy trì hình thức họp chợ phiên. Ca dao có câu: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng”.

Dấu ấn phiên chợ xưa

Hà Nội tấp nập, ồn ào, vội vã là vậy, những tưởng những nét đẹp cổ kính đã dần bị thay thế bởi vẻ đẹp hiện đại, thế nhưng ở nhiều nơi trong thành phố vẫn còn lưu giữ được nguyên nét đẹp xưa vốn có. Và chẳng biết tự bao giờ, chợ Bưởi luôn được người dân của đất Kinh kỳ nhắc đến với sự gần gũi, thân thương đến kỳ lạ. Giống như nhiều chợ cổ của Hà Nội, chợ Bưởi nằm bên vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, thuận lợi về mặt giao thương trên bến dưới thuyền.

Trước đây, chợ Bưởi chỉ có những dãy lán bằng phên nứa tuềnh toàng và chỉ có 1 – 2 dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Trước những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng hai cầu chợ bằng bê tông kiên cố che mưa nắng.

Những phiên chợ Bưởi xưa mang đậm bản sắc văn hóa người Việt

Xung quanh khu vực chợ Bưởi, hoạt động sản xuất thủ công tương đối phát triển, chợ Bưởi theo đó cũng sôi động vào các phiên chợ, người mua bán tấp nập. Nơi này cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây con giống đến bán từ mớ rau thơm, bó cải giống đến chó mèo, lợn gà, thỏ, chim… Người dân các làng ven Hồ Tây vẫn mang các đặc sản làm được tới phiên chợ Bưởi để bán như người làng Tây Tựu, Cổ Nhuế, Xuân La, Xuân Đỉnh với mặt hàng rau giống, hạt giống, công cụ nông nghiệp; dân vùng Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá với các loại cây cảnh, hoa cảnh.

Chợ Bưởi cùng với chợ Mơ là một trong số ít các chợ còn duy trì hình thức họp chợ phiên ở nội thành Hà Nội và cứ tới các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, dân các khu vực lân cận lại kéo về chợ Bưởi bán cây, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề.. .Người Hà Nội muốn mua bất cứ thứ gì mang tính dân dã, đến chợ Bưởi là sẽ tìm thấy.

Chợ Bưởi là một trong số ít các chợ còn duy trì hình thức họp chợ phiên ở nội thành Hà Nội

Vậy nên, chợ Bưởi cũng trở thành nơi thăm thú của nhiều người rảnh rỗi, yêu chim thú, hoa cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. Đặc biệt, những năm xa xưa, cứ đến ngày 29 Tết, chợ Bưởi còn có thêm một nếp là mổ trâu bò và dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết…

Những người đã gắn bó lâu năm với chợ Bưởi đều cho rằng chợ Bưởi ngày nay đã không còn giữ được nhiều nét đẹp của phiên chợ quê xưa. Cụ Lãm, nhà ở cạnh chợ hoa Quảng Bá chia sẻ: “Chợ Bưởi ngày xưa thích hơn bây giờ. Chợ ngày xưa chỉ có một tầng dân dã thôi, còn bán trâu bò lợn gà chứ bây giờ người ta chỉ bán lợn thịt, bán gà con thì có chứ trâu bò không còn nữa. Tiếng tàu điện leng keng của bến xe Bưởi nó đã mất từ lâu.

Bây giờ, cái nhà 2 tầng trên đấy những người đi chợ thì ít lên đó và người ta cũng chỉ loanh quanh bên dưới chợ. Và đã đi chợ thì người ta chỉ mua những thứ phục vụ trong ăn uống gia đình, chứ không phải vào siêu thị cho nên người ta không muốn lên trên trên tầng. Bây giờ, chợ xây thành 2 tầng lên trông thì khang trang thật nhưng tính chất của nó bị biến đổi, mất cái chợ xưa, nhưng mà cái gì thì cũng thế thôi, biến đổi bể dâu thì phải chấp nhận chứ.”

>>> Xem thêm: H̼o̼à̼i̼ ̼n̼i̼ệ̼m̼ về Hà Nội xưa qua những bức ảnh đ̼ộ̼c̼ ̼đ̼á̼o̼ ở phố c̼ổ̼ năm 1990

Nét văn hóa Hà thành

Điểm đặc biệt thu hút khách đến với chợ là các sản phẩm được đem đến đây bán đều do chính người bán trực tiếp làm ra. Cũng bởi do người bán trực tiếp bỏ công chăm sóc nên hàng mua được thường rất “thật”. Ví như những cây cảnh mang đến chợ thường là những loại cây dễ trồng và dễ nở hoa. Cây của họ mộc mạc chứ không cấy ghép hay nối cành. Còn đối với những giống nuôi, người bán cũng tư vấn hết sức tỉ mỉ cho khách. Tại chợ Bưởi xưa, hầu như không có chuyện nói thách hay bắt chẹt khách, mà thuận mua vừa bán. Chợ vừa mang cái thanh lịch của vùng đất kinh đô cổ, vừa mang cái bình dị, mộc mạc, dân dã của phiên chợ quê. Đó chính là nét độc đáo hiếm thấy của chợ phiên này.

Các sản phẩm được đem đến đây bán đều do chính người bán trực tiếp làm ra

Hiện nay, hàng ngày các cửa hàng trên dọc đường Hoàng Hoa Thám vẫn bày bán sinh vật cảnh, nhưng nếu vào đúng ngày phiên thì chợ vẫn nhộn nhịp hơn hẳn, người dân từ nhiều nơi mang cây cảnh và vật nuôi đến chợ phiên bán, cả trong khu chợ cũng như dọc đoạn đường đều tấp nập người. Chợ thường họp từ rất sớm, khi trời tờ mờ sáng cho đến đầu giờ chiều mới kết thúc.

Những người dân mang hoa đến phiên chợ Bưởi bày bán

Chợ Bưởi nay đã được xây dựng lại khang trang và hiện đại hơn rất nhiều, trở thành một trung tâm thương mại với các mặt hàng rất đa dạng, phong phú. Uy tín của chợ tăng dần nhờ vào nếp sống văn minh, gương mẫu của từng thành viên. Có lẽ, chính bởi lý do này nên cho dù cuộc sống phát triển theo hướng hiện đại, Hà Nội đô thị hóa quá nhanh nhưng các phiên chợ Bưởi vẫn tồn tại như một nét văn hóa riêng của Thăng Long – Hà Nội.

Theo VOV Giao Thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *