Xem bộ ảnh Hà Nội thế kỷ trước, nghe tiếng rao của những gánh hàng rong xưa…

xem-bo-anh-ha-noi-the-ky-truoc

Những gánh hàng rong và tiếng rao xưa là một phần kỉ niệm của rất nhiều người

Triển lãm: Những gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội

Triển lãm sắp đặt Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội do Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) phối hợp tổ chức từ ngày 13-9 đến 31-10 đã thu hút rất  nhiều khán giả.

Triển lãm tranh ở Hà Nội thu hút rất nhiều người tham gia

Không chỉ là tranh, là ảnh quý về gánh hàng rong và những mái chợ truyền thống từ đầu thế kỷ trước, những tranh ảnh này còn được đưa đến với khán giả theo cách ấn tượng qua bàn tay sắp đặt của nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ tài năng Duy Phương và phần thu âm tiếng rao của nghệ sĩ Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh cổ nhạc của ông.

>>> Xem thêm: Hàng quán Hà Nội đầu những năm 1990: Tạp nham, lộn xộn nhưng lại khiến người ta lưu luyến mãi

Chiêm ngưỡng những bức phác thảo ấn tượng của triển lãm

10 bức phác thảo đen trắng của các sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – trong đó có những người sau này trở thành những danh họa của Việt Nam như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân… – được in trên giấy dó, đưa vào trong các hộp treo nhấp nhô trên tường, có lắp bóng đèn bên trong để công chúng có thể nhìn được cả những vân giấy dó tuyệt đẹp nổi lên cùng những nét vẽ đầy rung cảm.

Cảnh chợ xưa đông đúc, nhộn nhịp

Những bản in các bức tranh quý treo trên tường và cả trình chiếu trên màn hình tivi, trong âm thanh những tiếng rao trên đường phố Hà Nội phát qua những chiếc loa nhỏ… tạo nên ấn tượng mạnh cho người xem. Những tiếng rao không phải là tập hợp âm thanh thực được thu trên đường phố ngày nay, mà là một tác phẩm âm thanh do các nghệ sĩ của nhóm Đông Kinh cổ nhạc dày công thực hiện.

Đi qua những bức tranh và những tiếng rao sẽ là một cây cầu ánh sáng mà mặt cầu in 27 tác phẩm nhiếp ảnh đen trắng được chụp từ những năm 1920 tới những năm đầu 1950 ở các chợ của Hà Nội. Những bức ảnh được phủ kính cường lực, công chúng được mời gọi bước lên “cây cầu thời gian” này, nhìn xuống, cúi xuống, ngồi xuống thật gần để khám phá câu chuyện những gánh hàng rong, những mái chợ xưa xa vắng, lắng nghe câu chuyện cuộc sống của ông cha mình.

Một gánh hàng rong

Nghệ sĩ Duy Phương bảo anh muốn công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, phải lập tức “á, ố” mà nhảy vào khám phá tác phẩm, chứ không chỉ là đọc những bức ảnh được treo ngay ngắn trên tường như thông thường. Một triển lãm đặc biệt mà những người bạn Pháp mang đến có lẽ để ngầm chỉ cho chúng ta biết về một di sản sống rất thú vị mà ta đang có nhưng chưa thật hiểu hết và tôn vinh đủ: gánh hàng rong và những tiếng rao.

Hàng rong khi xưa bán đủ loại mặt hàng
Bức ảnh phát ra tiếng rao thân thuộc
Một hàng bán các sản phẩm từ tre nứa
Cảnh chợ mua bán tấp nập
Phiên chợ ngày xuân
Chợ Tết bán đủ thứ trên đời
Một hàng bán bánh rong ở khu chợ Hà Nội
Cảnh chợ hoa tết

Cả thế giới của gánh hàng rong từ tranh vẽ, ảnh chụp cho tới những tiếng rao xuyên suốt một thế kỷ… đang được bày ra trước mắt công chúng tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội. Đây quả là một cuộc triển lãm thú vị và ý nghĩa.

Những tiếng rao biến đổi trong dòng chảy một thế kỷ được tái hiện công phu bằng giọng của các nghệ sĩ; phối trộn cùng tiếng gà gáy sáng, tiếng chim chóc thôn dã, tiếng mưa, sấm sét, tiếng tàu về ga, tiếng ồn ào phố thị, tiếng còi hàng kem mút dạo một thời đã xa, tiếng rao bằng loa của thời hiện đại hôm nay…

“Ai mua xôi ra mua”. “Chai xanh chai đỏ, chai bỏ thuốc sâu, dép nhựa, xương trâu đem ra đổi kẹo. Kẹo này là kẹo đường chính Cuba, ăn vào mát ruột cả nhà khen ngon nào”. “Mài dao kéo đi”. “Ai bánh chưng, bánh giò, bánh rợm nào”. “Ai kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi nào”. “Ai bánh rán, bánh dầy nào”. “Phớ!”. “Xôi lạc, bánh khúc đây”. “Ai xôi khúc đi”, “Bánh bao nóng đây”…

Thong thả đi giữa những tranh, ảnh gánh hàng rong từ gần một thế kỷ trước và những tiếng rao thân thương như một điệu hát, nhiều người chắc sẽ tin những tiếng rao này cũng xứng đáng là một di sản độc đáo trong văn hóa Việt, chẳng kém gì những điệu hát ru con ngọt ngào.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *