Ảnh cực hiếm: Sài Gòn ngày xưa hóa ra đã từng rợp bóng cây đẹp đến vậy!

Hàng me cổ thụ xanh rì, cây gòn trăm tuổi như ông lão áo mão tôn nghiêm, hàng xà cừ đại thụ… mang đến không gian rất xanh cho Sài Gòn ngày trước.

Sài Gòn từ những thế kỷ 19 và đầu thế kỷ thế kỷ 20 được người Pháp quy hoạch và trồng rất nhiều cây xanh dọc những con đường lớn và trong nhiều công viên. Những con đường rũ bóng mát khắp đô thành Sài Gòn ngày xưa vẫn là một đặc trưng, đi cả vào trong thi ca: “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”.

Nhưng rồi khi Sài Gòn bị cuốn vào cơn lốc đô thị hóa, lần lượt nhiều con đường cây xanh biến mất, nhường chỗ cho bê tông cao ốc. Những bóng mát xưa giờ trờ thành mịt mù khói bụi pha lẫn nắng nóng vùng nhiệt đới. Nhìn lại chùm ảnh xưa để thấy Sài Gòn cũng từng rợp bóng cây như thế.

Hình bóng Sài Gòn xưa qua hàng cây cổ thụ

Chỉ một thời gian ngắn sau khi c.hiếm Sài Gòn, người Pháp đã nghiên cứu xong các loại cây nhiệt đới, quy hoạch từng loại cây theo đường phố. 35 năm sau khi Pháp có mặt ở Sài Gòn, cây xanh trên hầu hết các đường phố đã được định hình một cách khoa học và bài bản. Vào thời này, nhà phố theo kiểu nhà vườn, biệt thự, có tường rào xây, cửa sắt.

Sài Gòn rợp bóng cây – ảnh chụp năm 1895
Bức ảnh “Thu về” – chụp năm 1901

Vào thu, trên một nẻo phố Sài thành, người dân cùng nhau đi dạo. Những năm đầu thế kỉ XX, Sài Gòn chưa có sự hiện diện của xe hơi. Đường nơi đây cán đá nhưng chưa tráng nhựa. Những hàng cây xanh giúp Sài Gòn mang dáng vẻ của một phố – quê lãng mạn.

Cây xanh trên đường Paul Blanchy, được chụp vào năm 1906

Đường Paul Blanchy, ngay là đường Hai Bà Trưng ngày ấy rợp bóng cây xanh. Lúc này, đường đã có lề nhưng mặt đường vẫn còn cán đá. Xe đạp, xe hơi đã xuất hiện nhưng còn hiếm. Cả Sài Gòn lúc này chưa tới 20 chiếc xe hơi. Phương tiện đi lại của mọi người chủ yếu là cuốc bộ, xe ngựa và tàu điện.

Hàng cây me ở đường Rue de Lagrandière chạy ngang qua Dinh Thống đốc Nam Kỳ vào năm 1907

Rue de Lagrandière là con đường được hủy tên Pháp sớm nhất để đặt lại tên Việt. Năm 1945, đường được đổi tên thành đường Gia Định và sau năm 1975 đổi thành đường Lý Tự Trọng. Nhiều cây me trong số này đến nay vẫn còn. Dinh Thống đốc, quen thuộc với cái tên dinh Độc Lập, đã có một số thay đổi với ban công được thêm vào, nhưng mái ngói của tòa nhà phần lớn được giữ nguyên.

Dinh Độc Lập nhìn từ trên cao

Dinh Độc Lập, trước là dinh Norodom, hoàn thành xây lại vào năm 1966. Xung quanh dinh là những tán cây dày đặc dọc các đường phố.

Công viên Gia Định vào đầu thế kỷ 20

Trong khi xây dựng thành phố, người Pháp vẫn có ý giữ lại những di tích trăm năm. Bởi vậy, trong công viên Gia Định thời ấy vẫn lưu lại một ngôi m.ộ cổ, tương truyền là mộ của ông Trần Văn Học, một nhà kỹ thuật tài ba thời Nguyễn. Ngày nay, trong công viên Tao Đàn, cũng vẫn còn ngôi m.ộ cổ trên 200 năm.

Kênh Bonnard

Kênh Bonnard còn được gọi là Kênh Bãi Sậy hay Kênh Hàng Bàng vì trên bờ kênh trồng hai hàng cây bàng. Ngày xưa, đây là con kênh rất quan trọng ở vùng Chợ Lớn vì ghe thuyền theo kênh để ra vào chợ Bình Tây. Ngày nay, kênh đã bị nhà cửa, đường sá xây lấp.

Tòa Đô chính Sài Gòn giữa tán cây xanh

Trong ảnh là tòa Đô chính Sài Gòn, trước đó là dinh Xã Tây, dinh Đốc Lý, nay là trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nay đây cũng là một trong những công trình lớn, tọa lạc đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ, quen thuộc với nhiều người dân và du khách Sài Gòn.

>>> Xem thêm: Xúc động với những khoảnh khắc cuối cùng của Thái Thanh trên sân khấu ở độ tuổi 80

Những đại lộ đầu tiên cũng rợp bóng cây xanh

Đại lộ Nguyễn Huệ khi mới xây dựng

Thời Pháp thuộc, đại lộ này có tên Charner. Cho đến nay, qua nhiều giai đoạn lịch sử, nó vẫn là một trong những con đường sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn.

Đại lộ Lê Duẩn ngập tràn màu xanh

Dài khoảng 2 km nối Thảo cầm viên Sài Gòn với Dinh Độc Lập, đại lộ Lê Duẩn có từ trước khi Sài Gòn bị người Pháp đánh chiếm. Sau này, nó được nối với đường trung tâm Hoàng thành cũ, thành đại lộ trung tâm của khu vực đầu não chính quyền mới. Những năm kháng Mỹ, khu vực đại lộ Lê Duẩn đã trở thành khu vực chính trị và ngoại giao của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với rất nhiều cơ quan đầu não cùng các cơ quan ngoại giao.

Đại lộ Lê Duẩn – đường thẳng giữa ảnh

Trong ảnh, đại lộ Lê Duẩn (lúc ấy tên là Norodom) nhìn về dinh Thống nhất khoảng đầu thế kỷ 20. Lúc này, nhà thờ Đức Bà với tháp nhọn đã xuất hiện.

Đại lộ Lê Lợi thời Pháp thuộc

Ban đầu đây là con kênh dài gần 1 km do người Pháp đào. Khoảng năm 1880, kênh bị lấp hoàn toàn để xây dựng thành đại lộ Bonard.Từ năm 1955 đến nay, đường đổi tên thành Lê Lợi và vẫn được mệnh danh là con đường thương mại vì có nhiều cửa hàng, thương hiệu lớn.

Những hàng cây trăm tuổi…

Hàng cây trăm tuổi trên đường Nguyễn Du
Một “Cụ Gòn” đại lão, ảnh chụp năm 1995

Cây đứng đó như một ông cụ áo mão đôi trăm năm, bên cạnh Rạch Tàu Hủ. Nay cây không còn nữa vì khu vực bến Hàm Tử đã được sửa thành đại lộ.

Hàng xà cừ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai – ảnh chụp năm 2005
Và hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng

Hàng cây xà cừ trên đường Tôn Đức Thắng có tuổi đời hàng trăm năm. Thế nhưng, cây đã bị chặt bỏ để lấy mặt bằng để xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 và tàu điện ngầm Metro.

Sài Gòn rợp bóng cây xanh với nhiều người chỉ còn là hình ảnh trong ký ức. Vẫn biết cuộc sống hiện đại, cây cối phải nhường chỗ cho những công trình tiện nghi, nhưng lòng vẫn cứ hoài niệm về một màu xanh ngợp trời ấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *