Hàng bánh mì 42 năm tuổi đặc biệt nhất đất Hà Thành: Mỗi ngày chỉ bán 400 chiếc, ngay phố cổ nhưng giá chỉ 10k!

Giá siêu rẻ so với thời giá bây giờ, nhưng một chiếc bánh mì kiểu bao cấp trên phố Tô Tịch vẫn có đầy đủ nhân pa-tê, thịt quay, xúc xích đỏ, ruốc bông cùng nước xốt ớt dầu.

Hàng bánh mì bán cả trăm chiếc mỗi ngày

Theo thời gian, bánh mì tại Hà Nội dần được biến tấu thành nhiều kiểu khác nhau để người ăn không bị ngán như: bánh mì khô bò, bánh mì thịt bò nướng, bánh mì phá lấu… Nhưng nhiều người vẫn giữ quan điểm truyền thống, bánh mì ngon nhất là phải ăn kèm với pa tê, thêm chút ruốc, xá xíu và tương ớt tăng hương vị.

Bánh mì pa-tê Hà nội có hương vị không thể trộn lẫn

Xin không bàn đến lý do tại sao chiếc bánh mì pa-tê kiểu Hà Nội xưa lại chỉ còn lại vài hàng duy trì bán túc tắc. Và những người hoài cổ quý lắm những hàng bánh mì như ở phố Hàng Gai, chỗ giáp với phố Tô Tịch – một trong những nơi bán bánh mì pate kiểu xưa ít ỏi còn sót ở Thủ đô.

Hàng bánh mì nổi tiếng của Thủ đô

Buổi sáng, quán bánh mì này mở từ 5 rưỡi, và 10 giờ thì đã đóng cửa rồi. Tầm 7 giờ đi qua đoạn Hàng Gai giao với Tố Tịch đã thấy người này người kia xếp hàng nhộn nhịp vào mua bánh mì. Có người vẫn ngồi nguyên trên xe, mua bánh xong thì phóng vèo đi. Khi đông quá thì đành dừng xe lại, tạt vào xếp hàng. Rồi mấy người nữa tìm hẳn chỗ đỗ xe thật gọn gàng để vào ngồi ăn.

Hàng bánh mì thu hút rất nhiều khách từ mọi lứa tuổi khác nhau

Cái ngon của bánh mì phố Hàng Gai, ấy là độ giòn của bánh kết hợp hoàn hảo với vị ngon của thịt xá xíu nửa nạc nửa mỡ, của xúc xích đỏ dai giòn, pa-tê mềm ẩm, xốp và thơm lừng. Màu nâu hồng của pa-tê, cả cái lớp mỡ trắng dẻo quánh, chạm vào lưỡi là tan nổi bật trên ruột bánh mì vừa mềm xốp vừa không quá đặc. Nó cũng như “đặc điểm nhận dạng” của hàng này, giúp chị chủ bán ra chừng 400 – 500 cái chỉ trong vài giờ mở hàng buổi sáng.

>>> Quán bánh rán giữa lòng Hà Nội: Chỉ 7 mét vuông nhưng phải thuê tới 6 nhân viên mới kịp phục vụ khách!

Bí quyết 40 năm không thay đổi

Trải qua hơn 40 năm, qua 2 thế hệ mẹ chồng truyền nàng dâu nối, tiệm bánh mì này vẫn giữ nguyên tắc tự tay làm nguyên liệu. Chỉ trừ bánh mì đặt riêng và bơ là thứ không làm được, còn lại, từ xúc xích đỏ, pa-tê, xá xíu, ruốc bông, chị Linh – chủ quán đều kham cả.

Bánh mì cổ truyền Hà Nội là như thế, chẳng cần thêm rau hay sốt, vì thêm vào là lệch vị ngay

Pa-tê chị Linh chỉ làm bằng gan và thịt thôi. Những nhà khác thường cho thêm ruột bánh mì, bì xay cho “chắc” miếng, cắt thành lát cũng dễ. Nhưng riêng chị thì không. Bí quyết duy nhất đó là cho nhiều hành khô được phi vàng giòn bằng mỡ gà (thay vì dùng hành, tỏi sống xay và ngũ vị hương) trộn cùng. Láng mỏng một lớp mỡ khổ dày lót mặt khuôn, pa-tê xay đổ lên trên rồi đem hấp cách thủy liên tục 6 tiếng.

Giá bán chỉ có 10 ngàn đồng mà các công đoạn chế biến đều rất cầu kì

Chị Linh cười, bảo ai cũng trêu bán mỗi buổi sáng mà hàng trăm chiếc thế thì tiền để đâu cho hết. Nhưng thú thực, nghề của chị vất vả lắm. 3h30 sáng đã chuẩn bị lục tục dậy sửa soạn bán hàng, mở hàng từ 6h30 đến 10h30 sáng, rồi lại về “đánh vật” với 12 – 13kg thịt nguyên liệu, tối muộn mới ngơi tay mà thở.

Hết học sinh, sinh viên, các anh chị đi làm, các cô chú trung niên hay các bác cao tuổi cũng trở thành khách quen ở đây. Người ta ăn nhiều, ăn quen thì thấy ngon, hơn nữa với cái giá quá rẻ như thế để có một bữa sáng ấm bụng thì tội gì mà không lựa chọn chứ.

Mỗi nguyên liệu đều được chuẩn bị kĩ càng

Sáng ăn bánh mì. Trưa chẳng nghĩ ra sẽ ăn gì thì lại ăn bánh mì. Rồi có những buổi tối bận rộn lại gọi về một chiếc bánh mì kẹp đầy đủ thịt, chả, pate, rau, ruốc… Nghĩ cũng thấy ổn cực kỳ đấy nhé! Chỉ một chiếc bánh thôi mà có đầy đủ những thứ cần thiết cho một bữa ăn rồi, lại nhanh gọn nữa. Cần gì hơn thế?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *