[Video] Nghe lại những ca khúc nổi tiếng nhất của NS Hà Phương: Mưa qua phố vắng, Đêm mưa tỉnh nhỏ

Nhắc đến ba bài hát về mưa nổi tiếng của mình, nhạc sĩ Hà Phương tâm sự: “Tình yêu đầu đời là những kỷ niệm sâu sắc.

Nhạc sĩ Hà Phương là ai?

Có một nhạc sĩ già, đang sống ở Mỹ Tho – Tiền Giang. Qua hơn nửa thế kỷ sáng tác, số tác phẩm của ông tuy không nhiều nhưng đều khiến người ta phải nhớ cả đời. Đó là nhạc sĩ Hà Phương, tác giả của các bài hát về mưa nổi tiếng: Mưa Qua Phố Vắng, Mùa Mưa Đi Qua, Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ…

Ông tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại Chợ Gạo (Tiền Giang). Tuổi thơ của ông theo gia đình dịch chuyển nhiều nơi, có lúc lên Sài Gòn và may mắn được học nhạc với nhạc sĩ Lâm Tuyền. 19 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đường Khuya với bút danh Hà Phương – cái tên hình thành từ cuộc sống “rày đây, mai đó” của mình.

Nhạc sĩ Hà Phương 19 tuổi đã có sáng tác đầu tay

Từ đó, cái tên Hà Phương luôn gắn bó với sự nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ của ông. Chỉ trừ một lần ông ký tên Du Uyên cho bài hát Mùa Mưa Đi Qua. Giải thích cho bút danh Du Uyên, nhạc sĩ Hà Phương cho biết tên được tách ra từ tên người yêu đầu đời của ông: Duyên. Ngoài ra Hà Phương còn hai bài hát về Mưa rất nổi tiếng khác là Mưa Qua Phố Vắng và Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ.

Trước 1975 có chùm 3 ca khúc về mưa của Hà Phương với nét nhạc tương đồng nhau, được đông đảo khán giả yêu thích như Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mưa qua phố vắng, Mùa mưa đi qua. Cả ba ca khúc lần lượt ra đời vào giữa thập niên 1960, khi ông đang sinh sống tại Mỹ Tho và trải qua cuộc tình với một người ca sĩ tại vùng tỉnh lẻ.

Hàng đêm trên sân khấu, nhạc sĩ Hà Phương đệm đàn cho cô. Khi màn nhung khép lại cũng là lúc cả hai đưa nhau về trên con đường vắng thưa người trong những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ. Cuộc tình sau đó dù không thành, nhưng cũng để lại quá nhiều kỷ niệm sâu sắc cho người nhạc sĩ.

Cả ba ca khúc về mưa nổi tiếng của ông lần lượt ra đời vào giữa thập niên 1960

Trường hợp bài Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ được ca sĩ Giang Tử hát trước năm 1975, nhạc sĩ Hà Phương viết chung với nhạc sĩ Anh Việt Thanh. Tuy nhiên, sau năm 1975, do còn ở trong nước, nhạc sĩ Hà Phương đã đổi lại lời khác cho bài hát để ca sĩ trong nước hát. Phần lời thứ 2 này phổ biến hơn và được hầu hết các ca sĩ sau này hát, kể cả trong nước lẫn hải ngoại.

>>> Xem thêm: Thăm công viên Tao Đàn: “Vườn thượng uyển” của Sài Gòn xưa và nay, 3 thế kỷ chuyển mình cùng đất nước

Ba bài hát về mưa nổi tiếng một thời

Nhắc đến ba bài hát về mưa nổi tiếng của mình, nhạc sĩ Hà Phương tâm sự: “Tình yêu đầu đời là những kỷ niệm sâu sắc. Đó là những đêm trên sân khấu tôi đệm đàn cho nàng hát tình khúc do tôi sáng tác. Sau đó, hai đứa dìu nhau dưới những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ, ánh đèn mờ ảo, phố vắng thưa người… Ôi nhớ sao là nhớ!”.

Cái tên Hà Phương luôn gắn với các ca khúc về mưa

Có lẽ “mưa và hoa” đã như một đề tài định mệnh gắn bó với những sáng tác của Hà Phương, mưa rơi trong tác phẩm đầu tay: Đường về mưa rơi lạnh buốt. Ngại ngùng chân ai nhịp bước. Mưa ơi thấu chăng nỗi buồn… (Đường Khuya, 1957), hoa cũng có mặt trong giai đoạn này khi ông phổ nhạc bài thơ bất hủ của TTKH: Hai Sắc Hoa Tigôn, rồi tiếp tục là Mưa Qua Phố Vắng, Mùa Mưa Đi Qua, Tình Mùa Hoa Phượng… Đó là những nhạc phẩm ông viết trước năm 1975.

Click để nghe Giang Tử hát “Mưa đêm tỉnh nhỏ” (Thu âm trước 1975):

Sau một thời gian dài kể từ biến cố 1975, tạm quên đi chuyện nghệ thuật để xoay sở mưu sinh, mãi đến những năm 1990 Hà Phương mới sáng tác trở lại. Đó là giai đoạn ông cùng người bạn thân là nhạc sĩ Thanh Sơn được Trung tâm băng nhạc Vafaco mời về hợp tác. Ông bộc bạch: “Kể từ đó chúng tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam bộ và cho ra đời những ca khúc Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Nhớ Đất Quê, Chiều Mưa Qua Sông, Đồng Sâu Xứ Lạ, Bông Lục Bình, Chuyện Tình Hoa Cát Đằng…

Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, tình cảm dành cho quê hương miền Tây, nơi mà chúng tôi lớn lên bên dòng sông, bến nước thấm đẫm những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca đã nuôi nấng tâm hồn chúng tôi. Mỗi ca khúc ra đời là sự thật phát xuất từ tâm hồn do thường xuyên lang bạt, gắn bó với miền đất phương Nam:

Láng Linh, An Giang bạt ngàn bông điên điển với bóng hình những cô gái chèo xuồng hái bông đẹp làm sao. Có những đêm nơi Miệt Thứ, Cạnh Đền mà những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò (mùng lớn) mới tránh khỏi muỗi đốt…”

Click để nghe Chế Linh hát “Mùa mưa đi qua”:

Thật vậy, những ca sĩ chuyên hát dòng nhạc trữ tình, âm hưởng dân ca Nam bộ như: Hương Lan, Phi Nhung, Cẩm Ly, Hương Thủy, Bích Tuyền… hiện nay đều rất thích thể hiện những ca khúc của Hà Phương. Mảng ca khúc này không chỉ thành công trong nước mà còn nhanh chóng lan tỏa ra cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, và đã để lại trong ông những kỷ niệm ngọt ngào. Ông kể: “Năm 2009, gia đình gặp khó khăn, tôi rời bỏ Mỹ Tho về quê vợ, một xã xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Bến Tre.

Vậy mà, ca sĩ Trường Vũ từ Mỹ về vẫn lặn lội tìm thăm, bởi ở Mỹ anh hát rất thành công bài Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ. Sau đó, ca sĩ Phi Nhung cũng từ Mỹ về gặp tôi nói lời cám ơn, vì cô cũng đã nổi tiếng qua bài Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ…”

Click để nghe Như Quỳnh hát “Mưa qua phố vắng”:

Đây cũng là niềm động viên ấm áp cho những nghệ sĩ miệt mài sáng tác như ông: “Tôi chỉ viết được vài chục bài nhưng mỗi ca khúc viết ra đều thể hiện được điều mình muốn gửi gắm nên dù viết ít, vẫn được mọi người mến mộ, yêu thích.

Tuy nhiên, dù sao tôi vẫn tâm đắc với những ca khúc Mùa Mưa Đi Qua, Mưa đêm tỉnh nhỏ hơn vì nó thể hiện được tâm trạng, tiếng lòng thời trai trẻ và làm sống lại kỷ niệm về những cuộc tình trong quá khứ nhưng vẫn luôn hiện hữu trong tôi”

Theo Nhạc xưa và Thanh Niên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *