Một chiều lãng du bên dòng Hương, du khách bất chợt bắt gặp một tà áo dài trắng, một mái tóc thề, một tiếng dạ thưa “ngọt lịm ai mê say” hẳn không khỏi bâng khuâng, nuối tiếc, nhớ nhung khi xa Huế.
Cùng ngắm những hình ảnh trẻ trung, duyên dáng của thiếu nữ áo dài Huế trên xe đạp do John Dominis, nhiếp ảnh gia của tạp chí Life thực hiện năm 1961.
Tinh khôi tà áo nữ sinh
Bao nhiêu người vì hoài niệm Huế với những con đường tình của Trịnh Công Sơn mà đi tìm “đường phượng bay” trong tác phẩm Mưa hồng. Và người đã cất công tìm đến Huế sẽ hiểu ngay đó là con đường có phượng, có những tà áo dài xứ Huế – tà áo dài của nữ sinh Đồng Khánh với mái tóc thề xõa ngang lưng. Mà những con đường đẹp nhất ở Huế đều có những thứ đó.

Bao nhiêu năm qua, dáng áo dài của nữ sinh Đồng Khánh không chỉ tạo nên một sắc thái tuyệt đẹp trong nhạc Trịnh, nó còn vào tranh sơn dầu của họa sĩ Bửu Chỉ, Đinh Cường, tranh lụa của họa sĩ Thái Tuấn và biết bao tác phẩm nghệ thuật của người yêu Huế.


Theo thời gian, màu sắc tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh cũng ít nhiều thay đổi. Đầu tiên là màu trắng, những năm 1960 lại là màu tím và màu xanh da trời, để rồi một thời gian sau lại quay trở lại màu trắng.

Mà cho dù màu nào thì tà áo dài ấy vẫn làm xao xuyến người ta ngày nay và cả những ngày sau. Dáng con gái Huế trong thơ ca nhạc họa vẫn muôn thuở với tà áo dài, đều là vóc dáng mỏng mảnh yêu kiều không có một vẻ đẹp nào thay thế nổi.

Ngày nay, lạ thay một điều, dù trường phổ thông cả nước hầu hết đều quy định tà áo dài trắng cho ngày đầu tuần đến trường, những nữ sinh xứ Huế khi khoác lên mình nét duyên này vẫn không thể lẫn vào ai khác.

Phải chăng bởi lẽ ngôi trường Đồng Khánh hay Quốc học luôn đặc trưng bởi sắc đỏ son hồng trên những mảng tường, làm nổi bật ánh trắng tà áo nữ sinh? Hay bởi giọng những cô gái xứ Huế luôn ngọt ngào chất riêng “Răng mờ cứ theo tui hoài rứa?” (Đồng Khánh ngày xưa – Mường Mán) khiến tà áo cũng mượt mà theo câu chữ? Cũng có lẽ điều gì ở trên mảnh đất này, đều đậm trong mình chất tâm tình riêng của Huế…
>>> Xem thêm: Ảnh khó quên về Huế năm 1962 – 1963: Chùa Thiên Mụ nhìn từ trực thăng, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế giữa ruộng đồng mênh mông



Huế và tà áo dài
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định Huế là chiếc nôi khai sinh áo dài Việt Nam. Áo dài Huế xuất hiện dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vào những năm 1740 và trở thành trang phục chính thức của cả nam giới lẫn nữ giới ở vùng đất Đàng Trong. “Huế là người mẹ đã sản sinh và nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam. Áo dài cũng từng góp phần tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Huế” – ông Hoa nói.


Tà áo dài của người con gái Huế cũng đệm cùng một câu ca khi đi cùng chiều dài lịch sử đất nước, thầm lặng kinh qua nhiều thăng trầm biến cố, để nay là trang phục đại diện cho dân tộc, vừa mang nét truyền thống, vừa hiện đại biến tấu cùng thời cuộc.



Chiếc áo dài đã từng đi qua những cuộc ch.iến tr.anh khói lửa, đi qua biết bao thập niên khó khăn vì kinh tế thời hậu ch.iến, rồi từng trở lại rực rỡ, thu hút tình cảm, tâm sức sáng tạo của biết bao nhà thiết kế cố tìm tòi, phát hiện vẻ đẹp của người phụ nữ qua biến tấu áo dài.

Ngày nay, những thiếu nữ tuổi mười tám vẫn chụp bức ảnh với áo dài trắng vào thời khắc giã từ mái trường phổ thông. Hàng triệu triệu lượt người đã mặc chiếc áo truyền thống ấy đã nối tiếp nhau đời này qua đời khác, gìn giữ lại cho xứ mình, một vẻ đẹp thuần khiết và dịu dàng mang cái tên: Áo dài Việt Nam.