Khám phá ngôi làng tỷ phú với hàng trăm biệt thự sát nhau: Phất lên từ buôn thịt lợn

Gọi làng Miêng Thượng là phố cũng được, bởi đến Miêng Thượng bây giờ có cảm giác đang đi giữa một khu phố toàn biệt thự. Khoảng từ năm 2006 đến nay, với nghề buôn thịt lợn, khát vọng đổi đời của người dân nơi đây thành hiện thực.

Ngôi làng phất lên từ việc buôn thịt lợn

Nhắc đến thôn Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội) hẳn nhiều người không còn xa lạ. Gọi thôn Miêng Thượng là phố cũng được, bởi đến Miêng Thượng bây giờ có cảm giác đang đi giữa một khu phố toàn biệt thự. Cả làng phất lên nhờ công việc bán thịt lợn ở các khu chợ.

Chia sẻ với PV, một người phụ nữ cho hay trong thôn này giờ thấy nhà nào 2,3 đến 4 tầng là những nhà có người bán thịt lợn. Số ít những ngôi nhà nhỏ còn lại là của những hộ dân quanh năm làm ruộng. Công việc buôn bán thịt lợn đã biến giấc mơ đổi đời của rất nhiều người dân ở thôn này thành hiện thực. Dân ở đây buôn bán thịt lợn từ cách đây hơn 20 năm, nhưng để giàu có thì khoảng 10 năm trở lại đây.

Một góc nhỏ thôn Miêng Thượng bây giờ toàn là nhà cao tầng.

Làm ăn khấm khá, các hộ dân bán thịt đua nhau về xây nhà, những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế có thiết kế hiện đại đua nhau mọc lên trên trục đường bê tông trải phẳng lỳ. Cả làng Miêng Thượng như thay da đổi thịt, nói về điều kiện kinh tế thì khó có làng nào trong vùng sánh kịp. Đi khắp thôn Miêng Thượng bấy giờ không thể đếm hết được số lượng những nhà 2 tầng đến 4 tầng.

Nhìn những ngôi biệt thự bề thế xếp san sát nhau mà ai nấy đều phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Cũng nhờ sự chịu khó làm ăn, ham làm giàu mà giờ đây làng Miêng Thượng đã trở thành ngôi làng sản sinh rất nhiều tỷ phú. Theo người dân thôn Miêng Thượng, người đầu tiên có công trong việc đưa bà con đến với nghề đi chợ bán thịt lợn, trong thôn ai cũng nhắc đến ông Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1944). Hiện nay, 3 trong số 4 người con của ông Sinh đều nối gót cha mẹ, làm giàu từ nghề buôn bán thịt.

Nghề buôn thịt lợn làm thay đổi bộ mặt của thôn Miêng Thượng.

Thấy gia đình ông giàu lên nhanh chóng, người dân trong làng từ đó mới bắt đầu học theo. Nhà nhà vận động con cháu ra Hà Nội đi chợ, có những gia đình 5 người con thì cả 5 người đều đi bán thịt. Có thời điểm những năm 1997, 1998 trung bình một ngày người con trai cả của ông Sinh bán hết 6 con lợn thu lãi 3, 4 triệu/ngày là chuyện bình thường. Đến nay, tất cả các con của ông đều có cơ ngơi riêng và có tiền tỷ trong nhà.

Những ngôi nhà cao tầng, biệt thự được xây dựng từ nghề bán thịt lợn.

>>> Xem thêm: Lặng ngắm những ngôi nhà cổ Hà Đông: Bóng dáng của một đô thị sầm uất khi xưa

Thanh niên từ 18 – 50 tuổi đều lên thành phố đi chợ bán thịt

Dù là người mới đến làng hay người đi xa lâu năm trở về đều cảm thấy ngỡ ngàng. Những căn nhà cấp bốn thấp lè tè, lụp xụp, xiêu vẹo quanh năm không còn nữa, dân thôn Miêng Thượng đua nhau xây biệt thự, nhỏ nhất cũng ngót nghét tỷ đồng, có người chi gần chục tỷ đồng xây nhà.

Những ông bà chủ đều xuất thân từ nghề nông nên những ngôi biệt thự rộng bên vườn chuối, hàng cau vẫn là hình ảnh quen thuộc ở làng tỷ phú. Người dân trong làng kể rằng, nếu như trước đây khi cả làng Miêng vay 1,5 tỷ để phát triển kinh tế người ta không dám cho mượn vì lo người dân quanh năm suốt tháng chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng không có tiền trả lãi ngân hàng thì giờ đây… khỏi lo. Nhà nào nhà nấy đều có của ăn của để, nhà lầu, tiền tỷ.

Biệt thự san sát nhau ở ngôi làng phất lên từ việc buôn thịt lợn.

Nhưng điều đặc biệt là, phải đến ngày Tết người ta mới thấy làng Miêng Thượng có người vào ra, còn những ngày thường, rất ít khi thấy cảnh người, xe tấp nập. Bởi lẽ, thanh niên trong làng dắt díu vợ con, anh em lên hết thành phố để buôn bán, đó cũng chính là lý do vì sao trong làng có nhiều căn biệt thự để không, khóa trái cửa suốt ngày đêm. Ở đây cứ đến 9 giờ tối là hầu như không có người đi lại, bởi chỉ còn người già và trẻ con nên đóng cửa đi ngủ sớm.

Ngày thường, trong làng chỉ có trẻ con dưới 6 tuổi và các cụ già ngồi trò chuyện hoặc trông nom những căn biệt thự hoành tráng cho các con yên tâm đi chợ. Bà Nguyễn Thị Quý (63 tuổi), cho biết: “Thanh niên từ 18 đến tầm gần 50 tuổi đều lên thành phố đi chợ, con cái cũng theo cha mẹ lên đó học hành. Chỉ khi nào ở quê có việc, không thì họ cứ làm đến 29, 30 Tết mới về”.

Không ít gia đình ở đây coi chuyện học xong cũng chỉ để kiếm tiền nên không chú trọng cho con em đi học.

Anh Hậu (sinh năm 1987), người làng Miêng Thượng nói: Ở làng này ai cũng thế, từ 25 đến 40 tuổi đều ra Hà Nội thuê nhà bán thịt, người đi trước dắt người đi sau, em lỗ, anh cho vay, đỡ đần nhau những lúc chập chững vào nghề vì thế chẳng ai phải bỏ giữa chừng vì thiếu vốn hay vì bất cứ một điều gì khác.

Nhà thờ được người dân quyên góp xây dựng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Làng quê nghèo một thời sống nhờ vào dăm ba sào ruộng giờ đây “đổi đời” có rất nhiều tỷ phú. Song sự thay đổi đem đến cuộc sống sung túc ấy khiến không ít gia đình coi chuyện học xong cũng chỉ để kiếm tiền nên học hành “chỉ là chuyện nhỏ”, cứ phải làm kinh tế đã. Điều này đang gióng lên hồi chuông về nguy cơ thất học ở ngôi làng “tỷ phú nông dân” này.

Theo Tổ quốc, Hà Nội Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *