Kì lạ ngôi làng con gái không mang họ cha tại Hà Nội, con đẻ ngỡ con nuôi

Ngôi làng con gái không mang họ cha

Nghe có vẻ lạ, nhưng tục lệ lấy tên đệm của cha làm họ của con gái trong dòng họ Nguyễn tại xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội đã trở thành nét văn hóa của người dân nơi đây, không ai muốn thay đổi.

Con gái lấy tên đệm của bố làm họ

Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, không những nổi tiếng với nghề chế tác đồ thờ gỗ như tượng Phật, hoành phi, câu đối, kiệu, long đình… mà còn được biết đến là vùng quê có nhiều họ lạ – do tên con gái lấy tên đệm của cha làm họ. Ví dụ một gia đình có tên cha là Nguyễn Thế Văn, khi sinh con gái đặt tên Linh sẽ lấy đệm cha làm họ: Thế Khánh Linh.

Theo tìm hiểu, đến nay, xã Sơn Đồng có hơn 20 dòng họ Nguyễn như: Nguyễn Bá, Nguyễn Văn, Nguyễn Trí, Nguyễn Viết… Cả xã, dòng họ Nguyễn chiếm 70 – 80%, còn lại là họ Trần, họ Duy, họ Hoàng.

Cụ Đắc Thị Khuyên năm nay 83 tuổi. Cụ cũng không biết vì sao làng lại có tục lệ không đặt họ bố cho con gái.

Nếu dòng họ Nguyễn Bá thì con gái sinh ra phải lấy họ Bá Thị hay dòng họ Nguyễn Văn thì con gái phải mang họ Văn Thị, không được đặt trái với tục lệ làng. Vì vậy, con gái ở xã Sơn Đồng có những họ rất đặc biệt như: Văn Thị Trang, Bá Thị Huyền hay Trí Thị Như…

Ông Nguyễn Xuân Thái (Phó chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Sơn Đồng) lý giải, chữ Nguyễn đứng đầu không phải họ chính của các cô gái trong làng mà họ Văn, họ Bá, họ Trí mới là họ chính của các cô gái đó. Chính con gái của ông Nguyễn Xuân Thái cũng có họ tên là Xuân Thị Dung.

Ông Thái nói thêm, Ở Sơn Đồng, một gia đình có 3 – 4 họ khác nhau là chuyện bình thường. Bởi, cha mang một họ, mẹ mang một họ và con gái gia đình đó mang một họ.

Ông Nguyễn Xuân Thái cho hay: Người dân xã Sơn Đồng hiện giờ ý thức rõ lợi hại của việc con gái không mang họ cha

Theo một số quan niệm của người dân Sơn Đồng, đổi họ con gái như thế cũng là để phòng ngừa, nếu trai gái trong làng có lấy nhau thì cũng không lấy người cùng họ, tránh bị coi là loạn luân. Ví dụ anh Nguyễn Viết Ái lại lấy cô Đức Thị Màu, rõ ràng không trùng họ.

>>> Xem thêm: Hà Nội: Cả làng giàu nhờ… làm lồng chim: Chỉ làm 3-5 chiếc nhưng kiếm cả nghìn đô mỗi ngày!

Muôn vàn rắc rối vì không theo họ bố

Vì sự rối rắm trong cách đặt tên như vậy, con gái ở Sơn Đồng khi xin việc làm ở xa hay đi học nơi khác, người ta cứ ngỡ người phụ nữ này là con nuôi trong gia đình. Điều này khiến họ gặp không ít khó khăn, rắc rối khi làm hồ sơ xin việc hay đi học.

Ví dụ, ông Nguyễn Trung Xuân (Tây Hồ, Hà Nội) không thể quên được chuyện nhập cư vào Hà Nội (trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội) của gia đình mình cách đây vài năm. Nhà có 6 người nhưng chỉ có vợ chồng ông và cậu con trai làm được thủ tục chuyển hộ khẩu về Thủ Đô. Còn lại 3 người con gái của ông bị từ chối nhập khẩu theo gia đình.

Ông Xuân hài hước kể: “Cơ quan chức năng Hà Nội không tin đó là 3 đứa con gái ruột của tôi, bởi giấy tờ chứng minh nguồn gốc của tụi nhỏ đều lấy tên đệm của tôi làm họ (họ Trung). Phải đến khi tôi về quê Sơn Đồng làm lại giấy tờ khai sinh, 3 cô con gái mới được nhập hộ khẩu Hà Nội”.

Vì để tiện cho việc học tập của con cháu, nhiều gia đình đã chủ động đặt tên lấy họ cha

Cũng vì khác họ với cha mà cô giáo Đức Thị Thanh Hiền (Trường Tiểu học Sơn Đồng) đánh mất cơ hội nhận được suất học bổng ở nước Đức. Cô giáo Đức Thị Thanh Hiền bày tỏ: “Khi biết mình trúng suất du học, cả gia đình tôi rất vui mừng. Tôi cũng nhanh chóng hoàn tất thủ tục và hài lòng vì bao nhiêu nỗ lực, cố gắng đã được đền đáp. Nhưng đến ngày chuẩn bị bay sang Đức, tôi mới ngã ngửa khi nhận được thông báo giấy tờ không hợp lệ vì nguồn gốc không rõ ràng.”

Tuy nhiên, sang thập niên 90 của thế kỷ XX và những năm gần đây, hiện tượng này bắt đầu giảm và hiện nay đối với những trẻ cấp 1, cấp 2, sơ sinh hoàn toàn không còn trường hợp nào đặt tên theo cách này nữa.

Theo Tuổi trẻ và Đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *