Chùm ảnh: Ngược dòng thời gian ghé thăm ngôi làng cổ hơn trăm tuổi bên dòng sông Nhuệ

Những gì còn sót lại ở nơi đây đủ để du khách cảm nhận sự cổ kính, thanh bình và cả những truyền thống từ bao đời nay vẫn chưa hề bị mất đi.

Làng cổ trăm tuổi

Làng Cự Đà nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Người dân nơi đây còn gọi là làng doanh nhân, lý do là bởi từ những năm đầu thế kỷ XIX, dân làng này đa phần làm ăn buôn bán phát đạt. Ngôi làng là một điểm đến du lịch Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc, hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, những làng nghề truyền thống, hay đơn giản là đến đây để có những phút giây thả tâm hồn vào khung cảnh bình yên, cảm nhận như thời gian đang đứng lại.

Cấu trúc của ngôi làng được quy hoạch theo hình xương cá. Từ đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ và dẫn vào các xóm. Còn bến sông Nhuệ trước đây là nơi buôn bán tấp nập. Dân làng Cự Đà dựng hai cột, trên đó có con cóc đá đội đèn để thuyền bè biết lối cập bến.

Làng Cổ Cự Đà

Không chỉ có những ngôi nhà ba gian, năm gian, làng cổ còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm. Làng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, cổng làng, các ngôi nhà xưa… khiến người tới thăm có cảm giác như đi ngược lại thời gian.

Một cổng làng xưa

Ngôi làng đã trải qua hơn 100 năm vẫn giữ gần như trọn vẹn những nét kiến trúc xưa. Hệ thống nhà với đường, ngõ ngách ở đây tựa như xương cá. Cự Đà ắt sẽ khiến du khách ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên với hàng chục ngôi nhà được thiết kế xen kẽ theo nét kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc Pháp.

Kiến trúc chủ đạo của làng cổ Cự Đà là những ngôi nhà 3 gian, 5 gian, ngói lợp thời xưa, ấm áp vào đông, mát mẻ về hè. Những công trình ấy cứ nép mình bên dưới những tán cây cổ thụ bao đời nay. Mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà xưa, đường làng bình yên trong nắng sớm đều toat lên vẻ đẹp thanh thoát, gần gũi, cái nét đặc trưng của nhà xưa vùng đồng bằng Bắc bộ không lẫn vào đâu được, từ miếng gạch dưới chân, bức tường vững chãi, không gian nhà ấm áp.… Cảnh vật khiến người ta như được trở về những năm tháng đã xa, ta không chỉ tìm được cảm giác yên bình, mà còn cảm nhận được sự thư thái khi quay ngược thơi gian.

Nếp nhà rêu phong
Nhà xưa lối cũ

Từ lâu Cự Đà đã trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập, sầm uất trong quá khứ. Đến nay, nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật kiến trúc từ thời Hán cách nay khoảng gần 2000 của các dòng họ như Đinh, Trịnh, Vũ, Nguyễn, Vương,.. Trải qua hàng trăm năm thăng trầm của lịch sử, làng cổ Cự Đà vẫn giữ cho mình được cái nét riêng biệt trong kiến trúc, văn hoá, tập quán, hình hài của người Hà Nội xưa, tất cả là những vật thể quý giá và là niềm tự hào của người dân thủ đô.

Xem thêm: Làng cổ 800 năm tuổi ngay tại Hà Nội: Có hàng loạt biệt thự Pháp cổ tuyệt đẹp nhưng bị khóa trái, bỏ hoang

Với những đình chùa cổ kính

Bên cạnh đó, trong làng vẫn còn sót lại những ngôi đình, chùa vẫn còn giữ được y nguyên những nét kiến trúc cổ. Chùa Cự Đà có lịch sử 300 năm tuổi là nhân chứng của thời gian, dù cho có thay đổi một chút để trùng tu lại thế nhưng kiến trúc vẫn được giữ nguyên.

Chùa Cự Đà

Chùa có một cổng phụ phía Tây mở ra bãi đất liền với cánh đồng làng. Cổng phụ phía Đông ăn thông với lối đi chính về phía cầu đường sắt. Cổng lớn của chùa là một tam quan hẹp, mặt quay hướng Nam nhìn qua hai cây muỗm to ra sông Nhuệ.

Du khách vãn cảnh chùa đi qua cổng chính, vào sân chùa rồi qua 3 gốc cổ thụ nữa thì đến thềm rồng của chùa chính, có tượng đôi voi quỳ trên bệ đá ở hai bên. Tiền đường xây 5 gian cửa gỗ bức bàn, đầu hồi bít đốc, nối với thượng điện theo hình “chữ Đinh”. Hai bên có cửa ngách dẫn vào 2 hành lang chạy dọc thượng điện rồi kéo dài đến hậu đường.

Làng nghề truyền thống

Ngoài tên gọi là làng doanh nhân, Cự Đà còn được biết đến là làng nghề làm tương và miến truyền thống có tiếng trong dân gian. Vào những ngày nắng đẹp, dọc trên những con đường làng Cự Đà du khách sẽ dễ dàng bắt gặp sóng sánh sắc vàng của miến.

Miến Cự Đà làm bằng bột dong riềng, được tráng thành từng bánh hấp chín rồi đem phơi. Miến Cự Đà có đặc điểm rất dễ nhận là thường có màu vàng óng, đều tăm tắp ngon nức tiếng bởi độ ngon, dai và mùi thơm đặt trưng khó nơi nào có được.

Óng ánh sắc vàng
Khung cảnh quen thuộc

Dù cho những hình ảnh của miền quê xưa đã không còn nhiều, nhưng khi tới đây bạn vẫn sẽ cảm nhận được sự thanh bình, nét cổ kính và giản dị của ngôi làng. Làng Cự Đà vẫn đẹp dù cho có thay đổi đến thế nào đi chăng nữa, những nét cổ kính, tình người hiếu khách của người dân trong làng vẫn không hề thay đổi.

(Theo Báo Mới, Kinh Tế Đô Thị)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *